Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vụ mở đường để phá rừng ở Phú Yên: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên, hàng loạt cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ, nhiều cây có đường kính 50-60cm.

 

Gỗ được lâm tặc bỏ lại trong rừng khi bị kiểm lâm phát hiện. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Gỗ được lâm tặc bỏ lại trong rừng khi bị kiểm lâm phát hiện. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)



Liên quan đến vụ lâm tặc ngang nhiên mở đường phá rừng giáp ranh khu vực huyện Tây Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên do TTXVN phản ánh trước đó, ngày 13/5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Bé - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội nên lực lượng chức năng đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên xử lý theo thẩm quyền.

Cụ thể, các đối tượng tham gia phá rừng (rừng phòng hộ và rừng sản xuất) nên có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” được quy định tại Điều 232 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Kết quả kiểm tra hiện trường của các đơn vị chức năng gồm: Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa, Sông Hinh; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh; Công an huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa, Sông Hinh cho thấy khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 2, tiểu khu 312 (lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ sông Hinh) có khoảng 270m đường mới được lâm tặc mở và khoảng 430m đường bị sạt lở. Hiện trường có 45 khúc gỗ tròn, khối lượng 34,419m3 và 1 khúc gỗ xẻ, khối lượng 0,495m3.

Khu vực rừng sản xuất, tại khoảnh 7, tiểu khu 358 (thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) có 690m đường được san gạt và mở mới. Hiện trường có 25 cây gỗ bị cắt để lại phần gốc và 8 lóng gỗ tròn, khối lượng 1,390m3.

Ông Lê Văn Bé - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết thêm nhờ phát hiện sớm nên hậu quả của vụ phá rừng được hạn chế bớt. Các biện pháp ngăn chặn được thực hiện ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc các đối tượng đưa phương tiện cơ giới vào để mở đường và khai thác cho thấy đã có sự tổ chức và quy mô. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào trong lực lượng tuần tra bảo vệ rừng có những việc làm tiêu cực, thông đồng, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.

Đối với thông tin từ phóng viên TTXVN về tình trạng phá rừng còn xảy ra ở tiểu khu 359, ông Lê Văn Bé khẳng định đây là tiểu khu thuộc rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa quản lý. Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra ngay.

Không chỉ ở tiểu khu 359 mà lực lượng Kiểm lâm tập trung tuần tra, rà soát tất cả các khu vực rừng giáp ranh giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Phú Yên với các địa phương lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định để kịp thời ngăn chặn nếu phát hiện có tình trạng phá rừng.

Trước đó, ngày 6/5/2020, phóng viên TTXVN phản ánh vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên, hàng loạt cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển ra ngoài.

Giữa rừng sâu, lâm tặc đã mở một con đường rộng khoảng 1m và nhiều đường nhánh vào các khu vực trong rừng. Chúng chọn những cây rừng to dọc các con đường để chặt phá, mặt đường còn chằng chịt dấu vết còn rất mới của xe và dấu chân người đi lại.

Loại cây bị đốn hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30-40cm và các cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50-60cm. Có những cây đường kính bằng cả vòng tay người ôm nhưng rỗng bên trong, bị lâm tặc cưa hạ rồi bỏ lại trong rừng.

Theo Xuân Triệu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm