TN - Đất & Người

Vụ phá rừng ở Kon Tum:Chủ tịch xã trần tình về nhà gỗ 3 gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Định Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đắk Ruồng cho rằng, việc ông dựng nhà gỗ 3 gian bị người ta phản ánh là do “bị đám kia chơi” (lâm tặc bị bắt gỗ - PV).

Một góc rừng bị đốn hạ tại lâm phần do UBND xã Đắk Ruồng quản lý.



Chiều 11-7, ông Trần Văn Độ-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho biết, hôm nay vừa đi kiểm tra trên rừng về nên vẫn chưa tổng hợp kết quả cụ thể số lượng cây rừng bị đốn hạ, bước đầu xác nhận có tình trạng khai thác rừng. Sau khi kiểm kê có kết quả, Hạt sẽ báo cáo lên UBND huyện và tùy mức độ vụ việc mà có hướng xử lý, nếu nghiêm trọng đến mức khởi tố vụ án thì sẽ khởi tố.

Liên quan đến vụ phá rừng tại xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Dân Việt ngày 10-7 đã có bài phản ánh: “Kon Tum: Lâm tặc ngang nhiên đốn hạ cây, xẻ gỗ ngay tại rừng”. Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy đã phối hợp với UBND xã Đắk Ruồng tiến hành kiểm tra hiện trường và truy quét lâm tặc.

Cùng với việc để mất rừng do UBND xã quản lý, dư luận còn phản ánh ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã - dựng nhà bằng gỗ sến (nhóm II) rất to. Đó là căn nhà gỗ đang xây dựng ngay mặt tiền Quốc lộ 24 - đoạn qua thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hải xác nhận: “Có làm căn nhà gỗ 3 gian nho nhỏ, to chẳng phải to đâu”. Về nguồn gốc gỗ, ông Hải cho biết có làm hợp đồng mua hơn 21 khối gỗ bình linh (nhóm III) của Công ty TNHH Anh Nhã (Khu công nghiệp Hòa Bình, TP.Kon Tum), giá trị hợp đồng gần 169 triệu đồng và được Hạt kiểm lâm TP.Kon Tum xác nhận.


 

Căn nhà gỗ 3 gian của Chủ tịch UBND xã Đắk Ruồng



Ông Hải khẳng định, 90% gỗ làm nhà của ông là gỗ bình linh mua trong hợp đồng, không có gỗ sến. Đồng thời cho rằng, việc ông bị phản ánh dựng nhà bằng gỗ sến là không đúng, do “bị đám kia chơi” (lâm tặc bị ông bắt gỗ-P.V).

Như Dân Việt đã phản ánh, từ khu sản xuất thuộc làng Kon Ktủh (xã Đắk Ruồng) đi vào rừng không xa, có thể bắt gặp cảnh cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, dấu vết cũ, mới đều có. Trong đó nhiều cây gỗ lá vẫn còn xanh, vết cắt còn mới. Thậm chí nhiều cây bị cưa gốc, xẻ hộp hoặc còn nguyên lóng tròn chưa được lâm tặc chở đi. Càng vào sâu trong rừng, càng nhiều cây bị chặt hạ, có những cây đường kính từ 30 - 50cm, gồm cả gỗ sến thuộc nhóm II. Trong khoảng 3 giờ đi rừng, chúng tôi ghi nhận có khoảng 100 gốc cây bị chặt.

Lê Kiến (Danviet)

Có thể bạn quan tâm