Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vụ Phan Văn Vĩnh:Vì sao Tập đoàn Đèo Cả phải nộp lại 60 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Phú Thọ tuyên ngày 30/11/2018 đối với vụ đánh bạc nghìn tỷ, CTCP Tập đoàn Đèo Cả phải nộp lại số tiền 59.787.000.000 đồng để sung vào ngân sách nhà nước.
HĐXX tuyên CTCP Tập đoàn Đèo Cả có nghĩa vụ phải có nghĩa vụ thanh toán 01 lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Đây là số tiền do CTCP Tập đoàn Đèo Cả (tại thời điểm xảy ra vụ án công ty có tên là CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn) đang nợ Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) sau khi Công ty này nhận chuyển nhượng cổ phần tại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Dương đề nghị HĐXX tuyên buộc CTCP Tập đoàn Đèo Cả phải nộp lại gần 60 tỷ đồng nói trên để khấu trừ vào khoản tiền Dương có nghĩa vụ phải nộp. Đề nghị này của Nguyễn Văn Dương đã được HĐXX chấp thuận và đưa vào bản án.
 
Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án có chiều dài 110,2km, tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, thông xe toàn tuyến vào năm 2020.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Dương chuyển giao dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thông qua việc bán cổ phần của mình sở hữu tại CTCP Đầu tư UDIC (chủ đầu tư dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) cho các công ty: CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng cầu đường Sài Gòn (nay là CTCP Tập đoàn Đèo Cả), CTCP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, và CTCP Tập đoàn Hải Thạch (hai công ty này do Tập đoàn Đèo Cả nắm cổ phần chi phối), lấy số tiền 270 tỷ đồng.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng cầu đường Sài Gòn (chính là Tập đoàn Đèo Cả), ký hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 06/5/2017. Dương chuyển nhượng 32.978.700 cổ phần, tương đương số tiền 329.787.000.000 đồng (mua số cổ phần có giá trị thực).
 Số cổ phần không có giá trị thực đã được hợp thức hóa thông qua hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các công ty: Đèo Cả, Hải Vân, và Hải Thạch.
Đối với số cổ phần có giá trị thực, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã chuyển vào tài khoản cá nhân của Dương số tiền 270 tỷ đồng, theo hợp đồng chuyển nhượng số 01/2017/CNCP-UDIC ngày 06/5/2017. Số tiền còn nợ lại là 59.787.000.000 đồng, cũng chính là số tiền do TAND tỉnh Phú Thọ tuyên buộc Đèo Cả phải nộp lại cho nhà nước.
Đèo Cả không phải là cái tên xa lạ, đây là công ty từng xây dựng nhiều dự án công trình hầm đường bộ, trong đó nổi bật là dự án hầm Đèo Cả.
Gần đây, Công ty này muốn tham gia vào dự án BOT cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn có tổng chiều dài 115 km theo hình thức PPP.
Nguyễn Tuân (infonet)

Có thể bạn quan tâm