Giám đốc VN Pharma bị bắt từ tháng 9-2014, tới giờ đã 3 năm, Bộ Y tế xử lý kiểu gì mà lãnh đạo Cục Dược vẫn tiếp tục được lên chức?
Liên quan đến vụ án VN Pharma nhập và bán thuốc điều trị ung thư giả, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, với những sai phạm đã xảy ra, trách nhiệm của Cục quản lý Dược và Bộ Y tế rất nặng nề.
Theo bà Lan, khi đã có nghi ngờ thì đừng có cấp phép, thế nhưng, ở đây tất cả chỉ căn cứ trên hồ sơ. Có những trường hợp được cấp phép từ Cục quản lý Dược là rất khó, dù đã đầy đủ hồ sơ mà họ vẫn ngăn chặn lại. Thế nhưng, trong trường hợp này, VN Pharma lại được giải quyết rất nhanh gọn nên họ có quyền nghi ngờ.
Phiên toà xét xử vụ án tại Công ty cổ phần VN Pharma |
“Cục lý luận rằng, sau khi cấp xong họ kiểm tra có nghi ngờ nên cấp báo cho công an. Chính ông ấy nói rằng thuốc này nhập về để trong kho thì lấy gì kiểm tra, đã sử dụng đâu mà kiểm tra nghi ngờ. Còn nếu đã ra thị trường phải để cơ sở sử dụng họ dùng thì họ mới nghi ngờ được để báo cho Cục. Từ xưa tới giờ Cục chỉ cấp phép thôi”-bà Lan bức xúc nói.
Bà Lan cũng đặt nghi vấn, “lãnh đạo Cục Dược trực tiếp ký, chịu trách nhiệm về vấn đề này nhưng lại không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì là không thuyết phục. Giám đốc VN Pharma bị bắt từ tháng 9-2014, tới giờ đã 3 năm, Bộ Y tế xử lý kiểu gì mà lãnh đạo Cục Dược vẫn tiếp tục được lên chức?”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan |
Về mức án đối với nguyên Giám đốc Công ty VN Pharma, bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói: “Tôi không đồng ý mức án 12 năm, vì xử sai tội, Tòa cho rằng đây là tội buôn lậu, nhưng không phải, đây là tội buôn thuốc giả. Mà thuốc giả tối đa là tử hình theo Bộ Luật Hình sự. Bởi bất cứ thuốc nào cũng phải đạt chất lượng và thuốc thật. Khi người ta bị bệnh không được uống thuốc thật mà phải dùng thuốc giả, không ngăn chặn được bệnh mà khiến bệnh nặng hơn. Bản thân thuốc giả ai kiểm tra, có độc chất thì sao?”.
Ở góc độ khác, GS. TS, bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch - hiện là Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, tôi cũng theo dõi vụ việc liên quan đến công ty VN Pharma và có vụ thuốc giả, chống ung thư. Là người hơn nửa cuộc đời cống hiến với ngành y, tôi rất buồn vì là một cơ quan của nhà nước mà lại lợi dụng uy tín để làm việc vô nhân đạo, không thể chấp nhận được”.
Theo GS Nguyễn Khánh Trạch, những bệnh nhân bị ung thư, họ vô cùng khổ và đau buồn rồi, mà lại dùng một thứ thuốc giả để chữa ung thư cho họ thì cái đó càng dã man hơn. Vì những bệnh nhân bị ung thư đều có tâm lý cực kỳ bi quan, và chữa ung thư rất tốn kém, nhưng bây giờ lại dùng thuốc giả để chữa cho họ vô hình chung lại bồi thêm một cú sốc nữa làm cho bệnh tăng lên, làm cho kinh tế suy sụp thêm. Tôi thấy việc làm như thế là không thể tha thứ được.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Y tế/Cục quản lý dược, theo GS Nguyễn Khánh Trạch: Sự việc này xảy ra là do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục quản lý Dược đã cấp phép để nhập thuốc này vào.
GS Nguyễn Khánh Trạch |
Phân tích điều này, GS Nguyễn Khánh Trạch nói: Các cơ quan quản lý nhà nước đã không lường trước được việc làm của họ nên đã không cẩn thận trong việc cấp phép. Vì vậy, các cơ quan nhà nước đã cấp phép có phần trách nhiệm trong việc này. Vấn đề bây giờ chúng ta phải làm rõ là do cơ quan nhà nước bị lừa hay là có “bảo kê” cho họ?.
GS Nguyễn Khánh Trạch nêu rõ: “Qua sự việc này, tôi nghĩ người đứng đầu ngành Y tế quản lý về nhà nước như bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có phần lỗi. Bà ấy cũng phải giải trình và chứng minh trách nhiệm của bà ấy đến đâu?. Theo tôi nghĩ, khi đã làm một vị Bộ trưởng không ai nghĩ là không biết đến chuyện nhập lậu như thế mà vẫn làm ngơ. Ngay cả đến từng nhân viên trong ngành y cũng không có một người nào chấp nhận chuyện thuốc giả thuốc nhái. Cái chính là cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm, không nên suy luận, diễn giải linh tinh” – GS Trạch nói.
GS Nguyễn Khánh Trạch thừa nhận, thuốc giả trà trộn nhiều lắm, không cứ gì thuốc ung thư. Đối với một số thuốc quan trọng và cấp thiết việc kiểm soát các loại thuốc đó phải rất ngặt nghèo chứ không thể cứ nhập. Giờ nhiều thuốc đóng bao bì đẹp lắm nhưng chất lượng không ra gì và người dân bình thường cũng khó mà phát hiện được.
GS Nguyễn Khánh Trạch mong muốn, nhân vụ việc này, chúng ta phải kiểm soát thật chặt, có một chương trình kiểm soát khắt khe, kể cả kiểm soát các trình dược viên để họ không được đi đến các bệnh viện mời chào.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP. HCM, bà Nguyễn Thị Kim Tiến-Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Tôi không can thiệp hay có bất cứ tác động, có quyền lợi gì trong đấu thầu thuốc. Bộ Y tế có hàng chục đơn vị sự nghiệp… VN Pharma trúng đấu thầu chủ yếu ở nhiều địa phương; theo phân cấp thì Sở Y tế ở địa phương đánh giá hồ sơ và các thủ tục khi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ không can thiệp vào việc đấu thầu thuốc ở các tỉnh, thành.
Ngay tại TP. HCM, một công ty nhỏ như VN Pharma thì tôi làm sao biết được, mà tôi cũng không có thẩm quyền để can thiệp vào như thế. Công việc quản lý ở bộ rất nhiều, các đơn vị trực thuộc cũng phải được phân cấp quản lý, có người phụ trách chứ tôi làm sao quản lý xuể, huống chi một công ty tư nhân không thương hiệu gì trong ngành dược”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định là công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi. Tôi cũng không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như trên mạng thêu dệt.
“Tất cả những thông tin này đều xuất phát từ nước ngoài, họ muốn xuyên tạc, làm xấu hình ảnh và tình hình trong nước nói chung và Bộ Y tế nói riêng. Thậm chí người ta còn lập ra hẳn cả trang mạng bêu xấu tôi. Nhưng sự thật chỉ có một thôi, tôi làm gì sai tôi chịu trách nhiệm. Đằng này họ cứ tung tin, bịa đặt, dựng chuyện gây rối ngành y tế là có động cơ quấy phá rõ ràng”- bà Tiến nói.
Thu Thủy (VOV)