Bạn đọc

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Dân mỏi mòn chờ đền bù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa đầy một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, nhưng những người dân có rẫy bị cơn “đại hồng thủy” của vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gây ra vẫn đang phải lo ăn từng bữa bởi vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ phía chủ đầu tư.

“Chạy ăn” từng bữa
 

Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú

Đến nhà Siu Chuýt (39 tuổi) ở thôn Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ vào buổi giữa trưa, chị đang tất tả chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Đã nhiều ngày nay, gia đình chị phải làm quen với món lá mì xào mới hái ngoài vườn. Chị bảo, hôm nào đi mót mủ cao su có tiền thì mua thêm vài con cá khô, khi thì vài miếng thịt mỡ. Ăn lá mì, lòng chị cứ nhoi nhói khi nhớ lại 2 ha mì đang độ xanh non bị con nước lớn cuốn theo bùn đất. Hai con heo là gia sản giá trị nhất của gia đình chị Chuýt cũng trôi theo dòng nước ấy. Những ngày cuối năm này, khi nhà nhà nô nức đi nhổ mì, phơi mì rồi cân đo, xe mì chạy từng đoàn ngoài quốc lộ 19B thì chị Chuýt lại buồn rười rượi. Với 2 ha mì ấy, có lẽ bây giờ chị cũng đang lấm tấm mồi hôi trên rẫy với niềm vui khi thấy những thành quả lao động. Chị đã tưởng tượng ra trong đầu cái cảnh sắm sửa cho con cái những bộ áo quần mới tinh tươm để chúng có thể đón Tết như đám bạn người Kinh.

Mất rẫy, vợ chồng chị phải đi làm thuê thay vì được bổ những nhát cuốc trên chính mảnh đất của mình. “Mỗi ngày làm công mình được trả 120 ngàn đồng, đủ để chi tiêu trong gia đình. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm bởi người làm thuê như mình giờ nhiều lắm”-chị Chuýt chia sẻ. Và thế, những người nông dân chân chất ấy lại trở thành con nợ. Không còn mì để thu hoạch, gia đình chị Chuýt đã phải vay mượn hơn 10 triệu đồng từ người thân để lấy tiền trang trải cuộc sống và nuôi hai đứa con ăn học. Không những vậy, gia đình chị đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn theo diện hộ nghèo được 20 triệu đồng, mua hai con bò nhỏ nuôi để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, chỉ một tháng trước, kẻ gian đã lẻn vào dắt trộm hai con bò. Nhìn vào chuồng bò trống huơ, trống hoác, chị Chuýt hiểu rằng cái hy vọng thoát nghèo ấy vẫn còn xa xăm lắm.

Ông Rơ Châm Phố-Trưởng thôn Mook Đen cho biết, từ ngày Công ty Bảo Long Gia Lai gây thiệt hại cho người dân, một số người bị mất trắng không còn đất sản xuất phải đi làm thuê cho người khác. Công việc không ổn định nên họ phải đi chặt đót, mót mủ cao su để kiếm tiền sinh sống qua ngày. Nhiều người dân phải lâm vào cảnh nợ nần, chạy ăn từng bữa vì đầu vụ dân ở đây thường mua nợ phân bón, thuốc trừ sâu ở các đại lý khi thu hoạch thì trả. Nhưng giờ không có mì để thu hoạch nên không biết lấy tiền đâu trả nợ cho các đại lý vào dịp cuối năm này. “Lúc trước Công ty đã đồng ý bồi thường 16 triệu đồng/ha. Sau đó nói giảm xuống 12 triệu đồng/ha thì sẽ đền bù ngay nên dân chúng tôi đồng ý. Vậy mà tới giờ chưa thấy đâu. Ủy ban Nhân dân xã giao tôi chăm lo Tết cho bà con, nhưng giờ Tết cận kề rồi mà tiền không có thì tôi biết phải chăm lo làm sao”-ông Phố bày tỏ.

Bao giờ bồi thường cho dân?

 

 Người dân bị thiệt hại nặng nề sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Người dân bị thiệt hại nặng nề sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Sau khi thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ, UBND tỉnh đã cho dừng thi công, yêu cầu cơ quan Công an tỉnh điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố vỡ đê quai và xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Sau khi các bên thống nhất giá trị thiệt hại, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Đức Cơ, Công ty Bảo Long Gia Lai và người dân bị thiệt hại thống nhất mức giá đền bù. Đối với người dân, tổng thiệt hại hơn 5,87 tỷ đồng, thời gian bồi thường xong trước ngày 25-12-2014. Sau đó UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đức Cơ cùng với Công ty Bảo Long Gia Lai và người dân xem lại về mức độ thiệt hại, thời gian, giá trị bồi thường, dự kiến hoàn thành trước ngày 18-2-2015.

Theo ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, sau khi thống nhất mức bồi thường lần thứ hai, phía người dân bị thiệt hại đã chấp nhận giảm mức thiệt hại từ hơn 5,8 tỷ xuống còn hơn 5,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là sau khi kiểm tra lại, một số diện tích mì bị hư hại trước đó đã dần phục hồi nên giảm giá trị thiệt hại. Ông Nguyễn Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết: Hiện nay phía Công ty Bảo Long Gia Lai mới chỉ chuyển vào tài khoản của xã được hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền này chúng tôi vẫn chưa dám chi trả cho người dân vì không thể trả cho người này mà không trả cho người kia. Khi nào Công ty Bảo Long Gia Lai chuyển đủ tiền thì chúng tôi sẽ chi trả một lượt.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Ẩn-Phó Giám đốc Công ty Bảo Long Gia Lai cho biết, hiện phía Công ty đã chi trả được một phần tiền cho người dân. Số còn lại sẽ cố gắng hoàn thành chi trả trước Tết Nguyên đán.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm