Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vụ xin cho ông Nguyễn Đức Chung tại ngoại: Quy định bảo lãnh tại ngoại khi đang điều tra như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong trường hợp cơ quan chức năng nhận được đơn xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình ông Nguyễn Đức Chung, theo luật sư, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cùng xem xét quyết định.

 

Ngày 18/9, trên mạng xã hội và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin liên quan đến việc Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM (người bào chữa cho bị can Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) thông tin về việc "gia đình ông Nguyễn Đức Chung đang làm thủ tục xin cho ông này được áp dụng biện pháp cho tại ngoại để chữa bệnh ung thư".

Tuy nhiên trao đổi với Dân Việt qua điện thoại, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói: "Những vấn đề đấy là không đúng. Bởi vì tôi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn báo nào và chưa hề thông tin cho ai về vấn đề này cả".


 

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt giam vào ngày 28/8.
Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt giam vào ngày 28/8.



Trao đổi thêm về nội dung này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật khi bị khởi tố bị can thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

Việc cơ quan an ninh điều tra Bộ công an áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung sau khi khởi tố ông này về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là có cơ sở.

Bởi ngoài tội danh đã bị khởi tố thì cơ quan điều tra cho biết ông Chung còn liên quan đến ba vụ án khác cần phải điều tra làm rõ. Khi bị khởi tố và bắt tạm giam ông Chung có quyền khiếu nại đối với quyết định khởi tố và quyết định tạm giam đó.

Tuy nhiên đến nay chưa có thông tin nào cho thấy ông Chung khiếu nại các quyết định tố tụng này. Bởi vậy các quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam là có cơ sở và đang được thực hiện.

Luật sư Cường cho hay, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án cũng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam chuyển sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn phải trên cơ sở các quy định của pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án.


 

 Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.



Luật sư Cường cho hay, đối với trường hợp nào bị tạm giam, trường hợp nào cấm đi khỏi nơi cư trú, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện thay đổi đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rất rõ ràng.

Cụ thể, bị can, bị cáo có quyền đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác với biện pháp tạm giam. Tuy nhiên yêu cầu đó có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không thì phải căn cứ vào quy định pháp luật và phải dựa trên tính chất của vụ án.

Đối với vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và hai vụ án khác mà ông Chung đang bị điều tra vì nghi có liên quan thì đều là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và thuộc diện vụ án cơ quan trung ương theo dõi giám sát.

Trong vụ án này có đối tượng chủ mưu là Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, bị truy nã gây khó khăn cho công tác điều tra.

Ông Chung là người trưởng thành trong lực lượng công an nhân dân, có sự hiểu biết pháp luật sâu sắc, có kinh nghiệm điều tra nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác có thể sẽ gặp khó khăn cho cơ quan điều tra.

Do đó, trong trường hợp cơ quan chức năng nhận được đơn xin tại ngoại đối với ông Nguyễn Đức Chung, Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp sẽ xem xét cân nhắc trên cơ sở đảm bảo quyền con người, quyền hợp pháp của bị can bị cáo và đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan công bằng, đúng pháp luật.

Để có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn thì gia đình ông Chung cần có đơn bảo lãnh tại ngoại. Đơn này phải có chữ ký của hai người thân thích và phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trong đơn phải nêu rõ lý do đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, các tài liệu chứng cứ để chứng minh và cam kết sẽ có trách nhiệm giám sát bị can trong quá trình thay đổi biện pháp ngăn chặn

Sau khi nhận được đơn xin bảo lãnh tại ngoại, cơ quan điều tra sẽ thông báo cho viện kiểm sát để cùng xem xét quyết định. Trong trường hợp không đủ điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn thì sẽ có văn bản thông báo cho gia đình được biết.

Theo luật sư Cường, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Ví dụ trường hợp bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam có thể thay thế sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (hủy bỏ biện pháp tạm giam và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú) khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 



Điều 119, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định những trường hợp không bị tạm giam như sau:

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b. Tiếp tục phạm tội;

c. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;

d. Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

e. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng (trong đó có tạm giam) phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;

c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

https://danviet.vn/vu-xin-cho-ong-nguyen-duc-chung-tai-ngoai-quy-dinh-bao-lanh-tai-ngoai-khi-dang-dieu-tra-nhu-the-nao-20200919122005874.htm


Theo NGUYỄN ĐỨC (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm