Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Vụ xử cựu sếp MHB: "Truy vết" 4.975 tỷ đồng rời ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoản tiền 4.975 tỷ đồng được MHB chuyển sang MHBS trong giai đoạn 2011-2014 thực chất được chuyển vào tài khoản nào tại MHBS, là tài khoản của MHBS hay tài khoản của MHB tại MHBS?
 
Các bị cáo trong vụ án - Ảnh: Huyền Trâm.
Chiều 20/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với 16 bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng MHB và Chứng khoán MHBS. Sau khi xét hỏi giám định viên, kiểm toán viên của Ủy ban chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước liên quan giám định tại MHBS, các luật sư tiến hành xét hỏi các bị cáo.
Luật sư Vũ Xuân Nam hỏi bị cáo Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng giám đốc MHBS. Luật sư hỏi bị cáo "MHBS có chức năng môi giới chứng khoán đúng không", bị cáo Bình trả lời là "có", đó là nghiệp vụ hợp pháp của MHBS.
“Hai bên có các hợp đồng hợp tác đầu tư, vậy tiền Ngân hàng MHB chuyển vào công ty MHBS nằm ở tài khoản của MHBS hay tài khoản của MHB đặt tại MHBS?”, luật sư hỏi, bị cáo Bình trả lời tiền chuyển vào tài khoản của MHB tại MHBS.
Luật sư hỏi như vậy tức là MHBS giữ hộ tiền MHB chờ mua trái phiếu chứ không phải chuyển tiền cho MHBS đúng không và bị cáo Bình trả lời là đúng.
Luật sư Nam hỏi bị cáo cuối năm 2010 dư nợ của MHBS với MHB là bao nhiêu? Dư nợ cuối 2010 có lớn hơn dư nợ cuối 2014 là 272 tỷ như cáo trạng nêu không? Bị cáo Bình trả lời không nhớ chính xác, xin cung cấp thông tin sau.
Cùng câu hỏi trên, luật sư hỏi bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên chủ tịch MHB, MHBS. Bị cáo Dũng cho  biết cuối 2010 khi tổ giám sát MHB kiểm tra thấy hoạt động cho vay margin (giao dịch ký quỹ) của MHBS không đúng quy định. Ngân hàng xét thấy nếu yêu cầu công ty tự điều tra sẽ không đảm bảo tính khách quan, theo đó MHB quyết định yêu cầu MHBS giao 200 tỷ đồng đầu tư chứng khoán cho MHB để đánh giá lại. MHB sau đó chuyển về cho MHBS 200 tỷ đồng. Ngoài ra còn nợ tiềm tàng khoảng 400 tỷ đồng.
“Như vậy, cuối năm 2010 số dư nợ MHBS là khoảng 600 tỷ đồng. Tức lớn hơn rất nhiều con số dư nợ MHBS đối với MHB thời điểm cuối 2014 là 272 tỷ đồng”, cựu Chủ tịch MHB và MHBS cho biết.
Luật sư hỏi bị cáo Dũng nếu lỗ/lãi tại MHBS ảnh hưởng gì tới MHB, bị cáo trả lời chắc chắn lỗ/lãi của chứng khoán MHBS ảnh hưởng tới ngân hàng mẹ MHB khi làm báo cáo tài chính hợp nhất.
Luật sư hỏi bị cáo số tiền MHBS chưa trả được cho MHB là khoản phát sinh trong giai đoạn 2011-2014 hay trước đó, ông Dũng cho biết kiểm toán đã xác định rõ là phát sinh trước đó, do khách hàng chiếm dụng vốn 200 tỷ đồng khi MHBS cho các khách hàng vay chứng khoán. Các hợp đồng đều ký trước 2010 chứ không phải ở giai đoạn 2011-2014.
Luật sư hỏi ông Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng MHB. Luật sư hỏi bị cáo có xác nhận khoản tiền MHB chưa đòi được MHBS là phát sinh trước thời điểm 2011? Cựu Tổng giám đốc MHB cho biết, nhận thức của bị cáo thì nguyên nhân chính dẫn đến MHBS còn nợ MHB là do khách hàng chiếm dụng vốn. Việc gửi tiền vào MHBS diễn ra từ 2008 đến 2010, khách hàng chiếm dụng vốn chứ không phải MHB chuyển tiền sang MHBS, sau đó MHBS gửi tiết kiệm hay kinh doanh trái phiếu sau đó không có khả năng trả nợ ngân hàng mẹ.
“Tôi có bàn với anh Dũng mạnh dạn khởi kiện một số khách hàng ra pháp luật nhưng không ngờ bị bắt,  gần 3 năm nay hoạt động của MHBS bị đình chỉ. Tôi thấy chuyện truy tìm nguyên nhân chính là khách hàng chiếm dụng vốn”, bị cáo Nguyễn Phước Hòa nêu tại tòa.
Huyền Trâm (BizLIVE)

Có thể bạn quan tâm