Trong 6 năm, anh Phan Văn Hồng Thắng (30 tuổi) đã có tới 37 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, giá trị hàng chục tỉ đồng.
Anh Phan Văn Hồng Thắng chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến tại Diễn đàn thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên công nhân tháng 5-2018 |
Anh Thắng hiện là kỹ sư điện của Công ty cổ phần thép tấm lá Thống Nhất (thuộc Tổng công ty thép VN - CTCP) được mệnh danh là “vua sáng kiến”, vì chỉ trong 6 năm công tác (từ năm 2012 đến nay) đã có 37 sáng kiến, giải pháp tiêu biểu được Tổng công ty thép VN ghi nhận và áp dụng vào thực tiễn.
Mỗi năm anh đều có ít nhất từ 4 - 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc các giải pháp phát triển sản xuất, riêng năm 2017 có tới 10 sáng kiến. Mỗi sáng kiến đều làm lợi hoặc tiết kiệm chi phí cho đơn vị ít nhất khoảng 70 triệu đồng, nhiều nhất lên tới 8 tỉ đồng.
Điển hình là sáng kiến “Tự động kiểm tra và điều khiển số Wrap để kiểm soát quá trình sản xuất”, đã tiết kiệm cho đơn vị trên 5 tỉ đồng.
Kể về sáng kiến này, anh Thắng cho biết: Trong quá trình chạy máy xảy ra rất nhiều hiện tượng thiết bị điều khiển, thiết bị chấp hành bị lỗi, trong đó nặng nhất là gây bể trục cán thép (trục cán có giá trị rất lớn, từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng tùy theo loại trục). Ngoài ra, còn làm thiết bị dừng đột ngột, gây tăng dòng điện bất ngờ ảnh hưởng đến chất lượng, tiêu tốn thời gian do phải dừng máy xử lý sự cố, kiểm tra thiết bị… Từ thực tế này, anh đã nghiên cứu lại hệ thống điều khiển trung tâm, kiểm tra độ đáp ứng của thiết bị vận hành…
Anh Phan Văn Hồng Thắng hiện sinh sống ở TP.HCM, làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ năm 2012 - 2017, anh liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; bằng khen của Đoàn khối doanh nghiệp T.Ư năm 2017; giấy khen của Đoàn Tổng công ty thép VN - CTCP các năm 2013, 2014 và 2015; được tuyên dương Người thợ trẻ giỏi vào tháng 5-2018. |
Anh Thắng cho hay: “Khi nghiên cứu sáng kiến cải tiến hệ thống thiết bị để tiết giảm tiêu hao trong nhà máy, tôi phải đi học thạc sĩ kinh tế. Qua việc nghiên cứu thu thập dữ liệu để đưa ra các giải pháp cải tiến, lại giúp tôi nảy sinh sáng kiến: xây dựng hệ thống theo dõi thống kê đánh giá tiêu hao hiệu suất hằng tháng, vì trước đó công ty chưa có hệ thống này. Rồi cùng thời gian đó, tôi thấy cần tối ưu hóa hệ thống điện sao cho phù hợp để tiết kiệm tiêu hao, nên tôi lại đi học thạc sĩ chuyên ngành về tối ưu hóa hệ thống ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM”.
Nói về lý do đam mê học hỏi, sáng kiến, anh Thắng chia sẻ: “Từ lúc nhỏ, tôi có quan niệm là làm việc gì cũng phải chú tâm, có trách nhiệm làm đến cùng, làm cho thật tốt”.
“Quan điểm của tôi là mọi người ai cũng giỏi hơn mình. Muốn theo kịp mọi người không có gì hay hơn là học. Cứ cố gắng học, chịu khó suy nghĩ tìm tòi là mình sẽ có lúc đuổi kịp mọi người. Mà sáng kiến cải tiến cũng là một hình thức để học. Mỗi sáng kiến là phải trải qua nghiên cứu tìm tòi, đọc tài liệu, thực hành thử nghiệm. Như vậy, mình sẽ nắm vững công nghệ, làm chủ thiết bị…”, anh Thắng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm với bạn trẻ, anh Thắng bày tỏ: “Tôi thấy mình đề ra sáng kiến hay cải tiến, là chắc chắn sẽ có nhiều người khác cùng tham gia. Từ một ý tưởng của mình sẽ là nền tảng cho nhiều ý tưởng khác to lớn hơn của mọi người. Cứ vậy, ai cũng có sáng kiến. Mình có thể đưa ra ý tưởng sai, chưa phù hợp, nhưng biết đâu đó lại là gợi ý cho ai đó nảy ra ý tưởng tuyệt vời hơn. Cuối cùng là sự công nhận của lãnh đạo, đồng nghiệp và mọi người. Phải làm sao để trong mắt mọi người mình là người có ích”.
Vũ Thơ (thanhnien)