Vui buồn nghề rèn truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên địa bàn huyện Đak Pơ, Gia Lai hiện có 10 lò rèn, tập trung ở các xã: Tân An, Cư An, Hà Tam, An Thành và thị trấn Đak Pơ. Dù chịu sự cạnh tranh của đa dạng các sản phẩm trên thị trường song những lò rèn vẫn đỏ lửa, làm ra nhiều nông cụ bền sắc, phục vụ hoạt động sản xuất của người dân.
Gìn giữ nghề gia truyền
Lò rèn của ông Nguyễn Thanh Hà (thôn Tân Định, xã Tân An) nằm bên quốc lộ 19. Đi đến gần lối rẽ vào xã Yang Bắc là có thể nhìn thấy biển quảng cáo lò rèn Hà khiêm tốn đặt dưới gốc cây sanh già, rợp bóng mát. Lò rèn rộng hơn 10 m2, nền nhà ngổn ngang nguyên liệu và các loại nông cụ chế tác dở dang. Lúc này, ông Hà đang đóng gói những chiếc rựa để giao cho khách. Ngưng tay, nhấp ngụm trà, ông Hà kể: “Năm 1963, ông nội tôi đã mang nghề rèn truyền thống của quê hương Bình Định lên vùng đất An Khê mở lò. Sau đó, cha tôi nối tiếp. 3 anh em trai tôi kế tục nghề rèn, rồi mỗi người mở riêng một cơ sở”. 
Hai người em trai của ông Hà mở lò rèn ở thị trấn Đak Pơ và thôn Tân Hiệp, xã Tân An. Năm 1990, ông Hà lên thôn Tân Định mua đất và mở lò rèn cho đến nay. Nhờ làm ăn có uy tín nên khách hàng đến đặt mua nông cụ rất đông. Vì thế mà nghề truyền thống được phát huy, lò rèn luôn đỏ lửa. 
 Ông Bùi Công Chính hàng ngày bền bỉ tạo ra các loại nông cụ phục vụ đời sống, sản xuất của người nông dân. Ảnh: N.M
Ông Bùi Công Chính hàng ngày bền bỉ tạo ra các loại nông cụ phục vụ đời sống, sản xuất của người nông dân. Ảnh: N.M
Vốn là con nhà nòi nên từ bé, ông Hà đã được ông nội và cha truyền lại bí quyết để làm ra những sản phẩm bền đẹp, chắc chắn. Tùy từng loại mà mỗi sản phẩm có giá 50-300 ngàn đồng, hợp túi tiền của người nông dân nên thu hút đông đảo khách hàng đến đặt mua. Anh Nguyễn Văn Hoàng (thôn 3, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, mỗi lần cần mua dao, rựa, cào, cuốc… tôi đều đến lò rèn của ông Hà. Những sản phẩm ông Hà làm luôn chắc chắn và sắc bén, giá cả phải chăng. Thấy tôi sử dụng những nông cụ dày dặn, bén sắc, nhiều người cũng nhờ mua dùm hoặc hỏi địa chỉ đến tận nơi đặt mua”.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, trước sự cạnh tranh về giá giữa hàng sản xuất công nghiệp với hàng thủ công truyền thống, thu nhập của người dân từ cây mía, cây mì liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề rèn của gia đình. Ông Hà buồn rầu nói: “Trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, tôi phải thuê 4 thợ về làm cùng mà không hết việc. Giờ thì ngày kiếm mấy chục ngàn đồng cũng khó. Công việc cực nhọc, thu nhập bấp bênh nên mấy đứa con tôi chẳng đứa nào theo nghề”.
Khởi nghiệp với nghề rèn

Ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Cư An: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 lò rèn. Nhiều năm nay, các lò rèn này đã tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa phương; áp dụng máy móc, kỹ thuật mới vào chế tạo nông cụ để làm ra nhiều sản phẩm thiết thực gắn với sản xuất nông nghiệp. Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để các lò rèn phát huy và gìn giữ nghề rèn truyền thống”.

Trái ngược với lò rèn Hà, lò rèn Chính (thôn An Sơn, xã Cư An) của ông Bùi Công Chính hàng ngày vẫn nhận đơn đặt hàng đều đặn. Ông Chính cho biết, mỗi năm, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhờ vào lò rèn này mà ông mua đất, cất nhà, nuôi các con ăn học. Vào mùa cao điểm, lò rèn của ông Chính tạo việc làm cho 2 lao động với mức tiền công 300-350 ngàn đồng/người/ngày.
Ông Chính kể: Năm 1989, ông mang theo nghề rèn truyền thống nổi danh ở phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) lên vùng đất An Khê lập nghiệp. Tại vùng đất mới, ông xin vào làm thợ giúp việc cho các xưởng rèn dù đã nắm nghề trong tay. 3 năm miệt mài lao động, vừa mưu sinh vừa học hỏi kinh nghiệm, ông đã nắm bắt cách tạo ra các loại nông cụ đặc trưng địa phương như: rìu, đao đâm trâu, mác vót nan, yết làm cỏ… của bà con dân tộc Bahnar. Đến năm 1992, ông Chính bắt tay vào gây dựng “thương hiệu” bằng những sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề cộng với sự hỗ trợ của máy móc, các sản phẩm dao cạo, dao hai lưỡi, kéo cắt, cuốc, rựa... do ông Chính làm ra ngày càng sắc sảo, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài sản xuất, ông Chính còn nhận sửa chữa những dụng cụ lao động bị hỏng, mài giũa cho sắc, thay cán mới… Gần đây nhất, tại Phiên chợ nông sản do huyện Đak Pơ tổ chức vào ngày 11 và 12-9, các sản phẩm của ông đã được huyện Đak Pơ chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. 
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm