Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Vướng vòng tù tội vì kiểu đòi nợ giang hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bỏ ra khoản tiền lớn cho người khác vay, khi con nợ chây ì không trả, không ít người đã dùng đến bạo lực để đòi, kéo theo con cháu, bạn bè vướng vào vòng lao lý.
Bị cáo Tùng.
Bị cáo Tùng.
Chú kéo cháu vào tù vì rủ đi đòi nợ
Tuần vừa qua, Tòa án Nhân dân (TAND)Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ của Nguyễn Ngọc Điệp (33 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) về hai tội Cướp tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật. Điệp là cháu ruột gọi Nguyễn Ngọc Tiến (59 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Người chú này của Điệp đang phải thụ án 8 năm 3 tháng tù về hai tội danh trên.
Sự việc buồn xảy ra, nguồn cơn từ khoản cho vay của ông Tiến với bị hại Nguyễn Anh Tuấn gần 3 năm trước. Ban đầu hai bên vay - trả sòng phẳng nhưng sau đó, con nợ không thanh toán được cho chủ nợ, khiến mâu thuẫn xảy ra. Tính đến năm 2017, anh Tuấn còn nợ lại của ông Tiến hơn 1,3 tỉ đồng. Nhiều lần ông Tiến đòi nợ, có cả trực tiếp đến gặp, và gọi điện thoại, nhắn tin, qua người khác song khoản tiền lớn vẫn không thấy về tay. Ngày 2.4.2017, ông Tiến gọi điện thoại cho con nợ hẹn tới một quán cà phê ở đường Lạc Long Quân (Hà Nội) để nói chuyện thanh toán.
Mang tâm trạng bực bội vì sự chây ì của con nợ, ông Tiến đã gọi cho cháu trai là Điệp đến gặp anh Tuấn nhằm gây sức ép. Tối cùng ngày, hai chú cháu Điệp tới quán cà phê gặp anh Tuấn. Vừa thấy con nợ, cơn bực tức tràn lên, cả Điệp và người chú này xông vào đánh bị hại Tuấn và không quên hỏi "tiền đâu". Sau đó, cả hai đẩy nạn nhân lên một chiếc taxi để nói chuyện công nợ. Đưa đến một quán cà phê, Điệp và chú ruột “nói chuyện” bằng gạch, tay chân, đánh nạn nhân Tuấn thương tích. Anh Tuấn bỏ chạy và bị chú cháu Điệp bắt, đưa tiếp đến một nhà nghỉ và tiếp tục đánh đập để đòi tiền. Sau khoảng 1 tiếng hành hạ con nợ, hai chú cháu Điệp ép anh Tuấn viết giấy vay tiền là 1,8 tỉ đồng rồi thả cho về nhà.
Cơ quan chức năng cáo buộc hành vi của hai chú cháu Điệp là Cướp tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật.
Trong khi chú bị bắt, ngày 7.6.2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Tiến 8 năm 3 tháng tổng hợp hai tội danh trên, Điệp bỏ trốn sau một thời gian dài và đến tháng 3.2019 mới ra đầu thú. Không đòi được nợ, cả Điệp và chú ruột đều vướng vào lao lý và phải trả giá bằng án tù nghiêm khắc. Ngày 9.8.2019, TAND Hà Nội trong phiên sơ thẩm đã tuyên phạt Điệp 8 năm 6 tháng tù cho hai tội, với cáo buộc bị cáo cầm đầu việc bắt giữ, ép nạn nhân viết giấy vay nợ.
Điệp đã kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm giảm nhẹ tội cho mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, Điệp trình bày không có ý thức hành vi của mình là cướp tài sản. Bị cáo bực tức thay cho người chú vì sự chây ì không trả nợ của nạn nhân nên mới hành động bột phát. Luật sư Nguyễn Văn Tiến, bào chữa cho Điệp trình bày rằng, nguồn cơn của sự việc là phía bị hại không sòng phẳng khoản vay với chủ nợ. Song HĐXX phúc thẩm cho rằng, không có tình tiết mới nên không chấp nhận đơn, tuyên y án sơ thẩm với Điệp.
Mất bạn, mất tiền và vướng án tù
Người ta vẫn thường nói, cho bạn vay tiền là mất bạn. Điều này với trường hợp của Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) chỉ đúng một phần. Vì khoản cho vay, Tùng không chỉ mất bạn mà còn vướng vòng lao lý với mức hình phạt nghiêm khắc cho hành vi đòi nợ kiểu giang hồ.
Tùng với anh Trần Minh Quân (32 tuổi) vốn là bạn bè. Trong lúc thấy bạn khó khăn, cần tiền trang trải, Tùng đã không ngần ngại đưa cho anh Quân vay 9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau thời gian nhiều tháng, Tùng đòi tiền nhưng bạn vẫn khất lần, khiến anh ta bực tức. Trong khi đó, vừa xong Tết Nguyên đán, tiền đã tiêu hết, Tùng ra sức thúc giục bạn trả.
Khoảng 19h ngày 23.2.2017, Tùng liên lạc với anh Quân qua mạng xã hội Facebook để tiếp tục đòi tiền. Anh Quân khất nợ thì Tùng hỏi và biết anh Quân đang chơi game ở một quán net trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Sau khi liên lạc với anh Quân, Tùng gọi điện thoại cho Ngô Công Thành (25 tuổi, quê Hưng Yên) kể về chuyện anh Quân nợ nần và rủ đi đòi tiền. Sau đó, Tùng đến chỗ Quân rồi nói chuyện với "con nợ". Một lúc sau, Thành cũng tới. Tại đây, Thành đòi nợ thay bạn thì Quân cho hay, không có tiền và muốn gán cho Tùng chiếc đồng hồ nhưng Tùng không đồng ý.
Tùng đã tát Quân 2 cái làm rơi chiếc kính Quân đang đeo. "Bây giờ mày tính thế nào, tiền của tao đâu?" - Tùng to tiếng trong tức giận song người bạn hết lời xin khất nợ.
Thấy vậy, Thành lao vào đấm khiến Quân ôm mặt ngồi xuống đất. Tùng yêu cầu anh Quân phải đưa về nhà bố mẹ lấy tiền trả. Hai thanh niên này lấy xe máy, kẹp con nợ ở giữa, chở đến nhà ông Nguyễn Văn Thuần (bác ruột của anh Quân). Đến nơi, Tùng và Thành đứng xe ở ngoài cổng, còn anh Quân đi vào trong nhà. Ông Thuần đi ra gọi Tùng vào trong nhà nói chuyện.
Tùng trao đổi về việc Quân nợ 9 triệu đồng chưa trả. Ông Thuần nói, để Quân đi làm rồi trả tiền. Tùng không hài lòng đã buông lời đe dọa. Anh ta còn gọi điện cho hai người bạn kéo đến nhà ông Thuần. Khi Tùng đang nói chuyện thì thấy 2 cảnh sát đi đến nên bỏ đi.
Lúc này, ông Thuần thấy anh Quân bị thương ở mắt, mồm chảy máu nên hỏi thì được biết, bị Tùng, Thành đánh gây thương tích. Ông Thuần đã đưa anh Quân đến Công an phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, trình báo. "Con nợ" được gia đình đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám, điều trị và được xác định là tổn hại 45% sức khỏe.
Đòi nợ kiểu côn đồ không thành, biết bị cảnh sát vào cuộc điều tra, Tùng và Thành đã bỏ trốn. Sau đó, Thành bị bắt, giữa tháng 11.2018, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Thành 13 năm tù tội Cướp tài sản. Tùng bỏ trốn đến ngày 18.4.2019 thì bị cơ quan Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ theo lệnh truy nã. Quá trình điều tra vụ án, Tùng đã tự nguyện bồi thường cho anh Quân 40 triệu đồng. Anh Quân đã nhận tiền không yêu cầu bồi thường thêm và xin giảm nhẹ hình phạt cho Tùng.
Cuối năm 2019, Tùng bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND Hà Nội, đã thừa nhận hành vi gây ra cho nạn nhân. Tùng bị tòa xác định là chủ mưu trong vụ án Cướp tài sản nên tuyên phạt 14 năm tù, dù phía bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Nói về hai vụ án trên, ông Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, mọi hành vi đòi nợ kiểu giang hồ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc đòi nợ đúng luật mà người cho vay cần lưu ý là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không bắt giữ người vay trái pháp luật. Để buộc người vay trả tiền cho mình, người cho vay có thể khởi kiện tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Riêng trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì có thể bị xem xét về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015).
Trong trường hợp trên, người cho vay có thể gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan công an điều tra. Theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của người cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay.
Luật sư Tiến cũng khuyến cáo, trong mọi trường hợp, người cho vay đừng để không chỉ mất tiền, còn vướng vòng lao lý. “Bình tĩnh, khôn khéo trong mọi tình huống với người vay nợ để tránh phải tự than thân “giá như”. 
Theo NGUYỄN VIỆT DŨNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm