Anh Phan Đình Huy (SN 1979, tổ 1, phường Thắng Lợi) bị di chứng CĐDC/dioxin từ cha là ông Phan Tuấn. Trước năm 1975, ông Tuấn tham gia hoạt động cách mạng ở vùng căn cứ thuộc tỉnh Bình Định nên bị nhiễm chất độc hóa học của quân đội Mỹ.
Khi mới sinh ra, mắt anh Huy đã bị mờ, mỗi ngày thêm nặng, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Không cam chịu cảnh người thừa, anh Huy kiên trì học tập, rèn luyện và hành nghề xoa bóp bấm huyệt để nuôi sống bản thân và gia đình. Vợ anh là chị Bùi Thị Bích Phương cũng bị tàn tật nên hành nghề bán vé số dạo. Vợ chồng anh sinh được 2 người con. Có những lúc hành nghề ở TP. Pleiku gặp nhiều khó khăn, anh phải xa vợ con vào TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), TP. Hồ Chí Minh… làm ăn. “Xa gia đình, vất vả sớm khuya mới có thu nhập trang trải cuộc sống và tiết kiệm mỗi tháng được 3 triệu đồng gửi về để vợ chăm lo cho các con”-anh Huy thổ lộ.
Chị Nguyễn Thị Thủy (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống. Ảnh: H.M |
Tương tự, anh Cao Ngọc Tấn (SN 1982, trú tại tổ 8, phường Thắng Lợi) cũng bị di chứng CĐDC/dioxin từ người cha. Ý thức bản thân sinh ra đã thiếu may mắn, gặp nhiều hạn chế, gia cảnh nghèo nên anh Tấn cố gắng học nghề cắt tóc. Anh còn tìm kiếm thông tin, học hỏi nghiên cứu thêm các mẫu tóc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, anh còn tích cực phụ mẹ làm vườn.
Ông Nguyễn Đông A-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Thắng Lợi-cho hay: “Toàn phường có 48 hội viên nạn nhân CĐDC/dioxin. Các hội viên được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Anh Cao Ngọc Tấn là hội viên giàu nghị lực, mày mò học hỏi, chăm chỉ làm việc nên đời sống có phần khấm khá”.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1987, trú tại tổ 3, phường Hội Phú) thì chia sẻ: Bản thân chị khi sinh ra đã bị dị dạng, chân tay co quắp. Thấy thế, bố mẹ chị (ông Nguyễn Ngọc Chánh và bà Phạm Thị Túc) đã đưa con đi khắp nơi để chữa bệnh nhưng không thành công. Quyết không đầu hàng số phận, chị đã kiên trì luyện tập hàng ngày. Kết quả, 2 cánh tay của chị dần hoạt động bình thường, đôi chân cũng có cử động nhẹ. Chị dành dụm tiền trợ cấp hàng tháng, tiền từ những người thân cho để mua điện thoại thông minh, mua chiếc xe lăn tay hỗ trợ cho việc di chuyển. Chị bày tỏ: “Nhờ tình yêu thương của người thân và sự nỗ lực luyện tập của bản thân mà tôi đã có thể tự làm chủ cuộc sống. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đi bán vé số dạo và bán hàng online trên điện thoại”.
Thành phố Pleiku hiện có 1.150 nạn nhân CĐDC/dioxin, trong đó có 1.051 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Tuy vậy, hầu hết các nạn nhân vẫn phải phụ thuộc vào gia đình. Ông Nguyễn Xuân Hoàn-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố-cho biết: “Các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin đang làm hết sức mình để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân CĐDC/dioxin được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng hỗ trợ các nạn nhân, nhất là nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 chữa bệnh, tạo mọi điều kiện học nghề, hành nghề để kiếm sống, hòa nhập với cộng đồng”.