Xà xẻo tiền dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là bước đột phá trong việc quản lý bảo vệ rừng, tạo điều kiện để các chủ rừng triển khai phương án bảo vệ rừng bền vững, phòng chống hành vi xâm hại tài nguyên rừng. 
Tuy nhiên, ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều chủ rừng đã sử dụng nguồn tiền nói trên một cách tùy tiện, không đúng mục đích, đối tượng, chi không có hóa đơn, chứng từ hàng tỷ đồng...
Rừng giao khoán bị mất 
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) khoán bảo vệ rừng ở khu vực núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhưng một số diện tích là đất sản xuất dân đang canh tác nông nghiệp. Theo kiểm tra của ngành chức năng huyện Chư Sê, trong năm 2015-2016, trên lâm phần khu vực núi Cheng Leng (tiểu khu 1064, 1065, 1067, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa đã chi trả tiền khoán bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm) đối với diện tích hơn 35,58ha đất không có rừng.
Đến năm 2017, ban quản lý này vẫn tiếp tục khoán bảo vệ rừng cho diện tích trên, khi đoàn nghiệm thu phát hiện không có rừng nên không chi trả tiền DVMTR. Năm 2018, ban quản lý rừng một lần nữa giao khoán nhưng chưa chi trả tiền đối với diện tích 14,62ha đất chưa có rừng.
 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa để xảy ra nạn phá rừng, giao khoán bảo vệ rừng trên diện tích không có rừng. 
Ông Nay Rcom Jem, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, cho rằng việc giao khoán bảo vệ trên diện tích không có rừng ở núi Cheng Leng đơn vị này không có mục đích vụ lợi. Nguyên nhân là do diện tích rừng giao khoán nằm gần rẫy của dân, bị dân cơi nới, xâm chiếm mà đơn vị không nắm bắt kịp nên vẫn đưa diện tích này vào giao khoán...
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả giám sát chi trả tiền DVMTR. Quỹ đã phối hợp với Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan kiểm tra tại 45 đơn vị vào thời kỳ năm 2017, xác định có tình trạng rừng giao khoán bị mất. Cụ thể, đối với diện tích rừng giao khoán, hợp đồng bảo vệ với dân, có 11 đơn vị có diện tích rừng bị giảm (13,53ha). Trong đó, có 10 đơn vị diện tích rừng giảm là do dân lấn (13,05ha); một trong số đó có Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa (thuộc Tỉnh đội Gia Lai) với diện tích rừng bị giảm là 1,46ha. 
Chi hàng tỷ đồng không rõ mục đích 
Tại nhiều đơn vị, việc sử dụng tiền DVMTR có biểu hiện không minh bạch. Như tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), UBND xã Ia Tul mở 3 tài khoản tiền gửi để thực hiện các giao dịch tiền DVMTR. Quá trình giao dịch thu chi tại 3 ngân hàng này có biểu hiện lòng vòng, chứng từ, hồ sơ không đầy đủ, ghi chép không rõ ràng, minh bạch; chi trả thiếu tiền cho dân nhận bảo vệ rừng 2 năm 2016-2017; không hạch toán, kế toán, không mở sổ sách theo dõi và quyết toán tiền DVMTR.
Trước những sai phạm này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Ia Pa kiểm tra toàn diện việc sử dụng tiền DVMTR ở xã Ia Tul. Còn tại xã Đắk Man (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông A Dứa, thủ quỹ xã, đã cho các cá nhân tạm ứng số tiền hơn 57 triệu đồng nên không có tiền để thanh toán năm 2017.
Nghiêm trọng nhất là tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai). Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, việc quản lý, sử dụng nguồn thu DVMTR của đơn vị từ năm 2013-2017 có nhiều nội dung chi không đúng quy định. Với nội dung chi có tính chất chi thường xuyên, ban này đã chi không đúng hơn 1 tỷ đồng; chi tuyên truyền, trồng rừng tiểu khu 423, chi xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, mua loa; chi hội nghị, tuần tra, phục vụ truy quét không có chứng từ, không rõ mục đích, nội dung, không có cơ sở xác định thực chi với tổng số tiền hơn 315 triệu đồng; chi mua quà hỗ trợ cho làng nhưng không có danh sách, đối tượng với số tiền hơn 60 triệu đồng; chi mua hàng hóa nhưng không thể hiện việc nhập - xuất, không có đối tượng sử dụng; chi mua dụng cụ truy quét, diễn tập không có đối tượng sử dụng hơn 194 triệu đồng… Trong 5 năm, số tài sản đã mua mà không có tại trụ sở ban quản lý và các trạm trực thuộc là hơn 228 triệu đồng.
Quá trình thực hiện các hạng mục công trình lâm sinh, ban quản lý này đã hợp thức hóa hồ sơ và thanh toán tiền cho nhân công bên ngoài hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, lập danh sách chi cho viên chức, người lao động của ban số tiền hơn 1 tỷ đồng, còn lại hơn 2,6 tỷ đồng không rõ mục đích.
Sau khi bị đoàn thanh tra lập biên bản, tháng 9-2018, bà Phạm Thị Mỹ Diệu, phụ trách kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa đã lập danh sách chi cho viên chức của ban số tiền hơn 3,4 tỷ đồng để nhờ xác nhận nhằm hợp thức hóa số tiền chưa rõ mục đích, đối tượng sử dụng... Kết luận Thanh tra đánh giá việc làm của ban quản lý là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lập chứng từ kế toán không trung thực để sử dụng tiền DVMTR không đúng với nội dung, mục đích đã thanh toán.
Ngoài việc phát hiện rừng giao khoán bị mất, đoàn giám sát của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan còn phát hiện nhiều tồn tại khác: có 10 đơn vị chi thiếu tiền bảo vệ rừng của dân với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa trả thừa hơn 1,6 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng cho dân; Ban Quản lý rừng phòng hộ xã Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa chi sai đối tượng trong hoạt động truy quét lâm tặc, chữa cháy rừng hơn 51 triệu đồng…
Còn tại Kon Tum, theo kết quả kiểm tra của liên ngành Sở NN-PTNT và Quỹ Bảo về và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, việc chi trả, quản lý sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND các xã, thị trấn trong năm 2017 cho thấy, các tổ chức nhà nước như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei chưa thực hiện khoán đầy đủ diện tích rừng cho người dân bảo vệ; UBND các xã, thị trấn chưa đầy đủ hồ sơ, chứng từ, hoặc chứng từ có sai sót; một số UBND xã có thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng nhưng chưa xác định, chi trả tiền DVMTR kịp thời, đầy đủ cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng…
Hữu Phúc (ĐTTCO)

Có thể bạn quan tâm