Thời sự - Bình luận

Xăng dầu chảy đi đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại sao cả tháng nay các nhà máy sản xuất xăng dầu, thương nhân đầu mối kêu tồn kho lớn, vậy mà khi nhu cầu tăng trở lại, lượng bán ra lại nhỏ giọt?
 



Có nguy cơ tái diễn khả năng đứt nguồn cung xăng dầu như một năm trước, khi đó là với xăng RON95.

Không ai chấp nhận trong trạng thái "bình thường mới", cuộc sống nhộn nhịp lại khan hiếm xăng dầu. Thật bất thường bởi doanh nghiệp xăng dầu lẽ ra phải vui vì bán được hàng, nay lại xảy ra tình trạng mua xăng "khó hơn cả thời bao cấp".

Trước tình hình này, Bộ Công thương phải ra 4 văn bản chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung, rồi yêu cầu quản lý thị trường vào cuộc chống đầu cơ, găm hàng.

Tại sao lại có tình trạng thiếu nguồn, đứt nguồn diễn ra? Liệu có hay không tình trạng ôm hàng, găm hàng để chờ tăng giá, bởi phiên điều hành giá ngày 13-5 có mức tăng không như doanh nghiệp mong muốn?

Với các mặt hàng khác, doanh nghiệp có quyền ôm hàng để hưởng chênh lệch giá. Nhưng với xăng dầu, Nhà nước vẫn đang nắm vai trò quản lý, phải điều phối và kiểm soát cung cầu để đảm bảo thị trường vận hành bình thường, không nên để xảy ra thiếu hụt rồi mới kiểm tra, giám sát.

Lẽ ra việc này phải làm thường xuyên hơn để ngăn ngừa nạn ôm hàng chờ tăng giá.

Một khi đã có dấu hiệu xăng dầu bỗng dưng khan hiếm, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải xử phạt kịp thời, đủ mạnh, để ngăn nạn ôm hàng kiếm lời lan rộng ra làm méo mó thị trường xăng dầu.

Biết rằng doanh nghiệp xăng dầu trong thời gian cách ly xã hội cũng "lên bờ xuống ruộng" do giá giảm mạnh, tiêu thụ chậm... nhưng vẫn phải đảm bảo xăng dầu cho quốc gia.

Cần nhắc lại đảm bảo cung ứng xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng, càng cực kỳ quan trọng hơn khi đất nước vừa ra khỏi cách ly xã hội, cần đủ xăng dầu nói riêng, năng lượng nói chung để tăng tốc sản xuất kinh doanh.

Thực tế trên cho thấy xăng dầu bỗng khan hiếm có bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu. Số doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu, mua xăng dầu dù có tăng lên nhưng bên phân phối, đại lý vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối này.

Họ không thể mua trực tiếp từ nhà máy lọc dầu. Doanh nghiệp đầu mối đóng van, các đại lý chịu thua!

Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay cũng chưa ổn bởi giá thế giới thay đổi từng ngày. Phải làm sao cho giá xăng dầu trong nước gần hơn với biến động của giá thế giới.

Việc này vất vả cho cơ quan quản lý nhưng người tiêu dùng vơi đi cảm giác "sao giá thế giới giảm nhanh, trong nước giảm chậm", doanh nghiệp cũng bớt gánh nặng, kể cả thua lỗ do giá trong không theo kịp giá ngoài.

Cũng có thể xem xét giảm thời gian dự trữ lưu thông phân phối, từ 30 ngày xuống mức phù hợp, để giảm chôn vốn trong xăng dầu cũng như rủi ro do mua quá nhiều ở mức giá cao.

Mặt khác, hiện ngành xăng dầu Việt Nam đã tự chủ được tới 70% nhu cầu, phụ thuộc nhập khẩu ít hơn, vì thế cũng cần tính đến xây dựng hệ thống kho dự trữ mang tính chiến lược quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giữ ổn định giá và thị trường xăng dầu.

Cần sớm điều chỉnh những bất cập trên chính là góp phần làm rõ câu hỏi "xăng dầu chảy đi đâu?".


 

TS ĐINH TRỌNG THỊNH - NGỌC AN ghi
(Dẫn nguồn TTO)

Có thể bạn quan tâm