Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Viện Âm nhạc-Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang tiến hành xây dựng hồ sơ Mo Mường, hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3-2023. Có 7 tỉnh, thành cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đak Lak và TP. Hà Nội.

Không gian diễn xướng của Mo Mường. Ảnh TTXVN

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (hoặc Ông Tlượng)-những người nắm giữ tri thức Mo, họ không những thuộc lòng hàng vạn câu Mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Mo Mường chính là thể hiện nhân sinh quan, quá trình nhận thức thế giới, phản ánh thế giới quan, vũ trụ quan... của người Mường.

Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Vì thế, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Có thể nhận định, Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt, cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới 3 mường: Mường Trời, mường Đất và mường Nước. Mối quan hệ trong tâm tưởng ấy đã giúp người Mường xây dựng nền văn học dân gian Mường, nền văn học tín ngưỡng Mường. Tiêu biểu cho nền văn học tín ngưỡng Mường là văn học Mo Mường với sử thi "Đẻ đất đẻ nước". Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở.  

Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ đang gặp phải một số khó khăn khi chỉ có 2 trong 7 tỉnh, thành cam kết tham gia xây dựng hồ sơ di sản cho Mo Mường sẵn sàng. Tiến sĩ Phạm Minh Hương-Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc-cho biết: Ngoài khó khăn về bố trí kinh phí, để trình hồ sơ lên UNESCO thì các tỉnh đứng tên trong hồ sơ này đều phải có được quyết định công nhận Mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12-2022. 

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tỉnh Hòa Bình đã có quyết định năm 2016. Các tỉnh khác quá khó khăn để đạt được tiến độ trên. Vì vậy đơn vị chủ trì (tỉnh Hòa Bình) và đơn vị tư vấn (Viện Âm nhạc) đang tính đến việc lùi lại kế hoạch đã định.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm