Thời sự - Sự kiện

Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn: Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là cơ sở để nâng cao hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Bởi vậy, việc nhận định rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác này ở giai đoạn 2021-2025 để khắc phục là điều vô cùng cần thiết khi xây dựng danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Kbang được phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn 136,13 tỷ đồng, gồm 26 danh mục dự án, trong đó, 5 danh mục năm 2021 đã được quyết định chủ trương đầu tư.

Bằng nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, UBND huyện đã cân đối đề nghị HĐND huyện quyết định bổ sung 12 danh mục với tổng mức vốn bổ sung 23,11 tỷ đồng. Qua đó, giai đoạn 2021-2025, huyện có 38 danh mục dự án với tổng mức vốn 164,85 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15-3-2024, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện được quyết định thực hiện với 28 danh mục và kế hoạch vốn hơn 164 tỷ đồng.

Vốn đầu tư công trung hạn giúp Gia Lai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng, mang tính liên kết vùng. Ảnh: H.D

Vốn đầu tư công trung hạn giúp Gia Lai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng, mang tính liên kết vùng. Ảnh: H.D

Điều đáng ghi nhận là trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, huyện Kbang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn hàng năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giám sát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí.

Tuy nhiên, theo ông Lương Văn Hòa-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Kbang: “Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn như: vẫn phải điều chỉnh kinh phí để cân đối vốn đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, làm ảnh hưởng đến việc chủ động nguồn vốn ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án; UBND huyện chưa có cơ sở trình HĐND huyện quyết định mức vốn bố trí chi tiết từng dự án thành phần, danh mục dự án đầu tư công trung hạn, hàng năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sử dụng vốn ngân sách huyện.

Trong quá trình lập chủ trương đầu tư chưa dự trù hết về tổng mức đầu tư dự án, quy mô đầu tư dự án. Do đó, khi lập thiết kế chi tiết mới phát sinh những bất cập, phải điều chỉnh kế hoạch và chủ trương đầu tư đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như giải ngân của huyện”.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh là hơn 18.259 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 12.041 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 6.218 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, HĐND huyện Krông Pa quyết định chủ trương đầu tư 79 công trình, dự án với tổng mức đầu tư gần 193 tỷ đồng. Trong đó, 21 công trình, dự án phải điều chỉnh quy mô, số vốn, cơ cấu nguồn vốn.

Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho hay: Quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công của huyện gặp một số khó khăn. Cụ thể, một số công trình, dự án phải điều chỉnh nhiều lần để đảm bảo về quy mô, công năng sử dụng, cân đối nguồn vốn như trụ sở Công an xã hay vốn đối ứng chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông-kênh mương, đối ứng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Một số dự án phải điều chỉnh đưa ra do chưa thực sự cấp thiết và bổ sung những dự án có nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, địa phương. Nguồn vốn tỉnh phân cấp cho huyện đầu tư giai đoạn 2021-2025 có hạn, nguồn ngân sách địa phương từ cấp quyền sử dụng đất, nguồn tăng thu còn thấp, trong khi đó, nhu cầu đầu tư của huyện khá cao.

Mới đây, đoàn công tác do ông Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương.

Qua giám sát, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại mà nhiều địa phương mắc phải trong quy trình lập, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn như: nhiều dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư nhưng vẫn đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư, điều này là không đúng theo quy định. Huyện Kbang còn 12 dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Tại một số địa phương, danh mục các dự án quá nhỏ lẻ, dàn trải. Tại huyện Krông Pa, tổng vốn đầu tư cả giai đoạn chỉ có gần 193 tỷ đồng nhưng đầu tư tới 79 công trình, dự án; kế hoạch đầu tư công trung hạn điều chỉnh khá nhiều-đến 21 công trình.

Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hà Duy

Ông Phương nhấn mạnh: Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án không được làm sơ sài mà phải có đầy đủ các nội dung về đánh giá hiện trạng, sự cần thiết đầu tư, đánh giá tác động môi trường...

Đề xuất chủ trương đầu tư giao cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng lập là chưa đúng quy định mà phải do cơ quan quản lý đề xuất thực hiện (ví dụ đầu tư các dự án trường học là do Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất). Trước khi công trình, dự án được thẩm định thì phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan (trả lời bằng văn bản). Riêng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư phải thực hiện hồ sơ như làm mới.

Ngày 16-3-2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 650/SKHĐT-QH,TH-ODA gửi các sở, ban, ngành và địa phương để lập danh mục nhu cầu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Quan điểm xây dựng danh mục đầu tư là có trọng tâm, trọng điểm, các dự án lớn, dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng-chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm