Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Xây dựng khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 21-9, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hội nghị lần thứ ba giữa Ủy ban thuộc Quốc hội của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã diễn ra với chủ đề “Tiếp tục tăng cường chức năng giám sát Nghị viện và trách nhiệm của các Ủy ban tương ứng trong việc đánh giá tiến độ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh ở khu vực Tam giác phát triển - CLV, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN lớn mạnh”.
 

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Hơn 60 đại biểu đến từ Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Ủy ban Nội vụ, Quốc phòng và Công vụ của Quốc hội Vương quốc Campuchia; Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam, cùng đại biểu một số tỉnh thuộc ba nước nằm trong khu vực Tam giác phát triển tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh khu vực Tam giác phát triển - CLV có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Với vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, Quốc hội ba nước đã thúc đẩy và tiếp tục ủng hộ Chính phủ của mỗi nước trong việc xây dựng và phát triển kinh tế khu vực Tam giác; xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh sự phát triển văn hóa-xã hội, an ninh-trật tự trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị hội nghị cần tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị những vấn đề có ích cho khu vực Tam giác phát triển; xây dựng khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đóng góp vào việc tăng trưởng của mỗi nước, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN ngày một lớn mạnh.

Hội nghị đã nghe đánh giá của các Ủy ban tương ứng của Quốc hội ba nước về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và công tác đối ngoại của các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển trong những năm qua; kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ giữa ba Ủy ban tại hội nghị lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào) vào tháng 9-2015; tham luận của mỗi nước về kết quả hợp tác trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong khu vực Tam giác phát triển…

Theo báo cáo của đại diện phía Việt Nam, thời gian qua, 5 tỉnh của Việt Nam trong khu vực Tam giác phát triển gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Bình Phước có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 1.600 USD trong năm 2015. Các tỉnh này đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác về trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, lưới điện, phát triển thương mại… với các tỉnh của nước bạn trong khu vực Tam giác phát triển.

Qua thảo luận, hội nghị thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó các bên kịp thời trao đổi thông tin để thúc đẩy các cơ quan chức năng của mỗi nước giải quyết những vấn đề liên quan đến quốc phòng-an ninh và phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ, gìn giữ tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa ba nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Các bên tích cực ủng hộ nỗ lực của Chính phủ ba nước trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân giới cắm mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển. Mỗi bên tăng cường giám sát các cửa khẩu của quốc gia tại khu vực Tam giác phát triển; kịp thời thông tin cho nhau để có kiến nghị với Chính phủ mỗi nước nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch trong khu vực.

Hội nghị đồng thuận khuyến nghị Quốc hội của mỗi nước để có tiếng nói chung đối với Hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN trong việc quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước liên quốc gia, trong đó có sông Mekong, nhằm bảo vệ nguồn nước đóng góp cho sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN và của mỗi nước.

Ngoài ra, ba bên thống nhất kể từ nay, hội nghị sẽ tổ chức luân phiên theo định kỳ hai năm một lần. Theo đó, hội nghị lần thứ tư sẽ diễn ra tại Campuchia vào năm 2018 với chủ đề “Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển - Vai trò và hoạt động của các Ủy ban tương ứng”.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm