Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa: Tăng giá trị sản phẩm, tạo sức hút với người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhằm tăng giá trị sản phẩm, tạo sức hút với người tiêu dùng.

Bà Võ Thị Thùy Ngân-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh-nhận định: Bất cứ một sản phẩm mới nào được đưa vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Đây là lý do để doanh nghiệp và các tổ chức KH-CN phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình nhằm mang lại cho họ các độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu...

Với ý nghĩa đó, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn nhằm tăng giá trị sản phẩm, tạo sức hút với người tiêu dùng.

Sản phẩm chuối sấy A Lúa của Công ty TNHH một thành viên A Lúa (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh tư vấn, hỗ trợ triển khai xây dựng nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Tấn Khánh-Giám đốc Công ty-cho biết: Sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào kết hợp với công thức thủ công gia truyền qua hơn 20 năm của gia đình, Công ty đã tạo nên sản phẩm chuối sấy ngọt thanh, giòn tan, giữ trọn hương vị tự nhiên.

Chúng tôi mong muốn không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng mà còn mang đến giá trị cộng đồng, mở rộng cơ hội việc làm cho chính đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm được Công ty rất chú trọng.

Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng đầu tư cải tiến sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu đặc trưng để tạo sự khác biệt, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao.

Công ty TNHH một thành viên A Lúa (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chuối sấy A Lúa. Ảnh: M.K

Công ty TNHH một thành viên A Lúa (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chuối sấy A Lúa. Ảnh: M.K

Tương tự, sản phẩm Pleibeen coffee của gia đình anh Trần Vũ (136 Tạ Quang Bửu, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng đang dần hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để xây dựng nhãn hiệu. Anh Vũ cho hay: “Xây dựng nhãn hiệu là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà chúng tôi đang hướng tới. Tôi đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ triển khai xây dựng nhãn hiệu.

Sau khi thu thập các thông tin cần thiết, Trung tâm đã tiến hành xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu, tư vấn thiết kế logo, hoàn chỉnh phiếu khai để gửi về Cục Sở hữu trí tuệ. Việc xây dựng nhãn hiệu sẽ đảm bảo quyền lợi, khẳng định giá trị của sản phẩm; đồng thời giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm uy tín, có chất lượng”.

Sản phẩm Pleibeen coffee đang dần hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để hoàn tất xây dựng nhãn hiệu. Ảnh: Mai Ka

Sản phẩm Pleibeen coffee đang dần hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để hoàn tất xây dựng nhãn hiệu. Ảnh: Mai Ka

Triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đã tư vấn, xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu cho 9 đơn vị. Hiện Trung tâm đang tiếp tục tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 5 đơn vị.

Việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn thiết kế bộ nhận diện thương hiệu như: logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm… cho các cơ sở, doanh nghiệp mà Trung tâm thực hiện giúp nhận diện thương hiệu đầy đủ. Nhờ vào sự khác biệt về thương hiệu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng quảng bá sản phẩm của mình, củng cố niềm tin đối với khách hàng và tăng lợi thế trong quá trình cạnh tranh trên thị trường.

“Các sản phẩm sau khi được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sẽ có sức cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; tạo ấn tượng dài lâu trong tâm trí của khách hàng; giúp cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tránh sự xâm phạm nhãn hiệu hoặc tránh bị mất nhãn hiệu của mình.

Từ đó, gia tăng giá trị, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai. Việc xây dựng nhãn hiệu là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng khả năng nhận diện, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại địa phương.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh để nâng tầm các sản phẩm, tạo cơ hội thuận lợi đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế”-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh thông tin.

Nhãn hiệu hàng hóa là một tên gọi có tính phân biệt, một biểu tượng hoặc dấu hiệu nhận dạng nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Nhãn hiệu hàng hóa giúp người tiêu dùng phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ với các sản phẩm hoặc dịch vụ do một nguồn khác tạo ra. Nhãn hiệu mang lại cho chủ sở hữu sự bảo hộ thông qua việc ngăn ngừa sự nhầm lẫn về nguồn gốc trong quá trình phân phối sản phẩm, dịch vụ hoặc thông qua việc cấp chuyển quyền sử dụng một đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác sử dụng.

Có thể bạn quan tâm