Điểm đến Gia Lai

Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Hướng đến mục tiêu toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo vùng nông thôn ở Gia Lai. Tuy nhiên, để chương trình thực sự đi vào chiều sâu thì cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra các giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Từ bài học kinh nghiệm

Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 xã đạt chuẩn NTM (trong đó 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao) và 97 làng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, TP. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018; thị xã An Khê và Ayun Pa đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét thẩm định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, ngày càng văn minh hơn; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao; cảnh quan môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…

Bộ mặt nông thôn xã Đak Hlơ (huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn


Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: một số địa phương chưa quan tâm duy trì, củng cố các tiêu chí đã đạt được; công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các địa phương với các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ...

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Từ thực tiễn xây dựng NTM của huyện và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng. Địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền thì huy động được sự vào cuộc của đông đảo các thành phần với những đóng góp to lớn về công sức, tiền của, sáng kiến… Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành cần được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, các địa phương phải đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát”. Việc xây dựng NTM cần thực hiện trên cơ sở kế thừa, phát huy và phát triển bền vững những tiêu chí đã đạt, bổ sung, nâng cấp, chỉnh trang để hoàn thiện những tiêu chí gần đạt đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt những tiêu chí khó”.

Tương tự, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-khẳng định: “Để chương trình mang lại hiệu quả cao thì cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Do vậy, phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Cần nắm vững mục tiêu và hệ thống các tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy các nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin của nhân dân vào chương trình. Xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, những tiêu chí dễ thì làm trước, khó làm sau. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình”.

Bộ mặt nông thôn Đak Pơ ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.  Ảnh: Quang Tấn

Đến giải pháp căn cơ

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, sau quá trình dài nỗ lực cán đích NTM, vấn đề quan trọng đặt ra đối với các xã đạt chuẩn là làm sao duy trì, từng bước nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt. Từ đó, các xã hướng đến mục tiêu cao hơn là đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Sê phấn đấu có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, 7/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tiến tới hoàn thành huyện NTM. “Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải xem xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, thường xuyên và liên tục. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền từ huyện, xã đến buôn làng; phát hiện và biểu dương các mô hình hay, cách làm mới, những điển hình tiên tiến. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần quan tâm chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn, thích ứng với biến đổi khí hậu”-ông Hợp nêu giải pháp.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân huyện Kông Chro được nâng cao. Ảnh: Quang Tấn

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép trên 2.934 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình là 1.122,3 tỷ đồng, vốn lồng ghép 795,3 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 1.016,4 tỷ đồng (vốn tín dụng 881,4 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 41,7 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp 93,3 tỷ đồng).
 

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu có 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM, 120 xã trở lên đạt chuẩn NTM, 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu. Cần xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo, lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý giống; công nghệ sinh học; công nghệ chẩn đoán để phòng ngừa dịch bệnh; công nghệ chế biến, bảo quản; công nghệ xử lý môi trường. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu theo chuỗi với sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội.

Tạo cơ chế, chính sách phù hợp để ưu tiên thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để phục vụ nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh; xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ chăn nuôi… Qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, góp phần xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững, tạo điều kiện và động lực cho người dân nâng cao hơn nữa vị thế của mình, thực sự là chủ thể và hưởng lợi các thành tựu đạt được trong xây dựng NTM.
 

QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm