Thời sự - Bình luận

Xem rồi ai cũng rưng rưng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn bão số 5 đổ bộ vào "khúc ruột miền Trung" từ ngày 18-9, mở đầu cho những ngày mưa dập bão dồn. Tính ra đã trên 40 ngày, nhiều đồng bào miền Trung chưa được một bữa ăn ngon, chưa được một đêm tròn giấc.

PV Lê Trung tiếp cận và dẫn hiện trường trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng
PV Lê Trung tiếp cận và dẫn hiện trường trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng



Bão số 9 ập đến, không thể kể hết những truân chuyên, mất mát của đồng bào. Gần nhất là với Trà Leng, quả đồi đổ vùi xuống chôn lấp hơn chục mái nhà của dân làng Bh’nong, mọi thứ bị xóa sổ chỉ trong chốc lát. Cả nước cùng hướng về Trà Leng với thấp thỏm lo âu...

Hay tin trên 50 người bị vùi lấp, nhiều phóng viên, trong đó có phóng viên Tuổi Trẻ thường trú tại Quảng Nam ruột gan nóng ran; ai cũng muốn tìm đường vào ngay Trà Leng sớm nhất để đưa thông tin không mong muốn này.

Nhưng, những mất mát của bà con cần được thông tin, đồng bào cả nước cần phải thấy được, đọc được hậu quả thảm khốc của bão lũ để mỗi người một cách, chúng ta mở rộng vòng tay vì nghĩa đồng bào.

Đường vào Trà Leng không hề dễ với hàng chục điểm sạt lở, những ngọn núi bên đường cứ chực như nứt làm đôi, chực đổ vùi xuống.

Đi bộ, lăn lê bò trườn qua những sườn núi, cây cổ thụ vắt ngang suối, tắm trong bùn đất, thậm chí lọt vào suối bùn đến ngang bụng đuối sức và đói lả..., các phóng viên cũng đã đến được hiện trường, đến với bà con.

Rồi những hình ảnh, clip về ngôi làng bị chôn vùi được đăng tải khiến người xem quặn thắt, hãi hùng.

Phóng viên, những người chứng kiến trực tiếp không thể kìm nén cảm xúc trước nỗi đau ấy, đau đến bủn rủn cả tay chân. Nhiều phóng viên kỳ cựu bật khóc khi tường thuật từ hiện trường, mặc kệ những thước phim không hoàn chỉnh để phát sóng.

Mới hôm qua, lúc mọi người đưa một em bé từ trong lớp bùn đất, sình lầy, một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, òa khóc... Có đau đớn nào hơn trước những sinh linh của đồng bào rơi vào cảnh bị thiên tai đọa đày này.

Đó cũng là cảm xúc của người đọc, người xem trước những mất mát, đau thương của đồng bào.

Hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an và người dân đã lội bộ, băng rừng lội suối hối hả đến Trà Leng. Họ bới từng lớp đất, lật từng tảng đá để kiếm người dưới đống đổ nát vì không muốn đồng bào mình nằm lâu trong lòng đất lạnh lẽo.

Những tiếng chỉ huy "nhẹ tay thôi", "tìm thấy cánh tay rồi", "lấy nước rửa cho họ đi" vang lên giữa tiếng cuốc xẻng như xé lòng người.

Rồi lại từng đoàn xe cứu trợ ầm ào kéo về điểm nóng khi mọi người biết rằng đồng bào mình đang trong cảnh màn trời chiếu đất, dù đến lượt họ cũng vào cảnh lặn lội, lấm đầy bùn nhão.

Một nhóm sư cô ở Bình Thuận cả tuần nay tất tả cứu trợ cho người dân vùng lũ Huế và Quảng Trị, khi xem những hình ảnh sạt lở tại Trà Leng, họ dừng lại và quay về thẳng hướng Trà My.

Không thể kìm lòng khi các sư cô vét hết tiền trong túi - dành làm kinh phí cho chuyến đi - trao hết cho các nạn nhân may mắn còn giữ được mạng sống đang điều trị tại bệnh viện.

Chưa hết, khi biết chúng tôi ở hiện trường, nhiều nhà hảo tâm cũng đã chuyển khoản, nhờ trao tận tay bà con những ân tình.

Chẳng ai kìm lòng được trước những hình ảnh đau thương xót xa mà thiên tai đã ập xuống nhiều gia đình.

Và từ những cảm xúc rưng rưng ấy, mọi người đã cùng làm được nhiều việc để người miền Trung vùng bão lũ bớt lạnh lẽo, không cô đơn, kiên cường vượt qua nỗi đau, đứng lên xây dựng lại cuộc sống mới.

Theo LÊ TRUNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm