Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Xem xét lại kết luận không khởi tố của công an TP Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau kết luận của Công an tỉnh Quảng Ngãi, xác định hành vi mua bằng giả và sử dụng bằng giả (2 bằng giả và 1 bằng không hợp pháp) và chuyển vụ việc cho Công an TP. Quảng Ngãi thụ lý, tuy nhiên đơn vị lại này kết luận không khởi tố.
Chính từ việc không khởi tố của Công an TP. Quảng Ngãi, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chuyển vụ việc về cơ quan điều tra Công an tỉnh xem xét, rà soát quy định và đưa ra kết luận cuối cùng.
Vào tháng 12/2018, báo cáo kết quả của Công an tỉnh Quảng Ngãi chỉ rõ, ông Nguyễn Minh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần GTVT Quảng Ngãi sử dụng bằng cấp 3 giả (tốt nghiệp năm 1985), bằng đại học kinh tế giả (tốt nghiệp năm 2009) dẫn đến việc lấy bằng đại học sư phạm Vinh không hợp pháp. Đồng thời, xác định bà Nguyễn Thị Thanh Thanh (con gái ông Nguyễn Minh Hùng) sử dụng bằng đại học công nghiệp TPHCM giả (tốt nghiệp năm 2013) và bằng đại học sư phạm Vinh không hợp pháp.
Với hành vi sử dụng bằng giả (ông Hùng tái phạm 2 lần mua và sử dụng bằng giả), cá nhân ông Nguyễn Minh Hùng đã lừa dối và khai man lý lịch để được kết nạp Đảng năm 2004. Trước đó, vào tháng 3/2004, Công an huyện Tư Nghĩa kết luận vụ việc ông Nguyễn Minh Hùng làm giả 60 hồ sơ khám sức khỏe cho học viên đăng ký đào tạo lái xe.
 
Dùng bằng cấp giả và thâu tóm cổ phần, ông Nguyễn Minh Hùng điều hành Công ty khiến nhiều lao động bức xúc.
Hợp thức hóa bằng đại học giả năm 2009, từ lúc nâng lương đến tháng 5/2013, đang còn doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Minh Hùng đã chiếm dụng tiền lương khoảng 13,7 triệu đồng. Đến tháng 6/2013, doanh nghiệp thành cổ phần hóa, ông Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT cho đến nay và chiếm dụng tiền lương chênh lệch theo hệ đại học trên 100 triệu đồng.
Với việc sử dụng bằng cấp giả, cơ quan công an nhấn mạnh, từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2018, ông Nguyễn Minh Hùng sử dụng bằng cấp giả để làm Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ Quảng Ngãi (thuộc Công ty CP GTVT Quảng Ngãi) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc “sử dụng con dấu, tài liệu giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân”; đây là hành vi gian dối, gây thất thoát quỹ lương của Nhà nước và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, chức danh Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ Quảng Ngãi được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định, do cơ quan Sở LĐTB&XH tỉnh đề nghị. Đồng thời, qua mặt đơn vị Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình đào tạo lái xe và cấp bằng cho học viên.
Từ các vấn đề trên, phù hợp với hành vi căn cứ theo Bộ luật hình sự năm 2015 tại Điều 341 về “Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xem xét theo khoản 2 (mục b: phạm tội 2 lần trở lên; mục d: sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện phạm tội; mục đ: thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng) và khoản 3 (mục c: thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên).
Bên cạnh sai phạm của ông Nguyễn Minh Hùng, sau khi đạt được chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Hùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp nhận bà Nguyễn Thị Thanh Thanh (con ruột) và bao che hành vi sử dụng bằng cấp giả của thân nhân là bà Thanh Thanh. Đồng thời, đề bạt con gái giữ các chức vụ cao cấp trong Công ty.
 
Cố ý dùng bằng giả hòng qua mắt UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe cho ông Nguyễn Minh Hùng.
Ngoài quy định Điều 341, cơ quan điều tra cần xem xét Điều 52 quy định về “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự” nêu tại khoản 1 gồm mục b (phạm tội có tính chất chuyên nghiệp), mục c (lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội), mục e (cố tình thực hiện tội phạm đến cùng), mục g (phạm tội 2 lần trở lên).
Hiện nay, Công an tỉnh đang chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra về Công ty CP GTVT Quảng Ngãi liên quan đến vấn đề cắt xén nhiên liệu dạy lái xe, sử dụng đất sai mục đích, điều động nhân sự sai luật,…
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, 6 giáo viên thi biên chế viên chức ngành giáo dục huyện Nghĩa Hành đang vướng vòng lao lý, vì sử dụng bằng đại học giả và Công an huyện Nghĩa Hành đang tiến hành điều tra vụ việc.
Dư luận cho rằng, vụ thí sinh mua điểm ở phía Bắc đã khởi tố nhiều người liên quan, cho dù các thí sinh được học cũng mất 4 năm mới có tấm bằng đại học. Còn việc sử dụng bằng đại học để nâng lương, lừa dối cơ quan chức năng và chính quyền là UBND tỉnh thì tội càng nặng hơn việc mua điểm.
Dương Vương (Công lý) 

Có thể bạn quan tâm