Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Xếp hạng thêm 7 di tích cấp quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã ban hành các Quyết định về việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 7 di tích tại các địa phương trong cả nước, đồng thời bổ sung thêm 1 di tích vào quần thể di tích đã được xếp hạng.

Đình Mão Chinh, Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên)
Đình Mão Chinh, Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên).


Tại Quyết định số 886/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Mão Chinh, xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào.

Đình Mão Chinh là nơi tôn thờ Thành hoàng làng Đỗ Anh Vũ - vị quan đại thần dưới triều Lý, phối thờ cùng ngài là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (con trưởng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) - vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII.

Đình được khởi dựng từ sớm và được trùng tu vào các thời Hậu Lê, Nguyễn. Hiện tại đình có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Đinh. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ với nhiều mảng chạm khắc đẹp thể hiện nhiều đề tài trang trí, các điển tích dân gian vô cùng phong phú và đa dạng như: tứ linh, tứ quý, tùng lộc, chim trĩ,... mang đậm phong cách kiến trúc và mỹ thuật thời Hậu Lê, thời Nguyễn. Ngoài ra, tại đình còn lưu giữ nhiều di vật tiêu biểu có giá trị như: sắc phong (thời Lê, Nguyễn), bia đá, ngai và bài vị,...

Tại Quyết định số 887/QĐ-BVHTTDL, đã xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động.

Đình Thanh Sầm là một công trình tôn giáo tín ngưỡng đồ sộ, mang trên mình những đặc điểm nổi bật của ngôi đình truyền thống. Đình là nơi tôn thờ Nhị vị Thành hoàng làng: Hướng Thiện Ninh Quốc Đại Vương (Phạm Thiện) và Đạo Quang Vĩnh Yên Đại Vương (Phạm Quang) thời vua Hùng Vương. Hai vị đã có công giúp các vua, các tướng dẹp giặc, thiết lập trật tự đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Đình được khởi dựng vào khoảng thời Hậu Lê và được trùng tu vào thời Nguyễn. Hiện tại Đình có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu Tiền nhất hậu Đinh. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng vật liệu gỗ tứ thiết với nhiều mảng chạm khắc đẹp thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quý,... mang đậm phong cách kiến trúc và mỹ thuật thời Nguyễn. Hiện nay, đình Thanh Sầm còn bảo lưu nhiều di vật tiêu biểu có giá trị như sắc phong thời Nguyễn, thần tích, đại tự, câu đối,...

Tại Quyết định số 885/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 884/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Thượng Hiền và Đình Đa Cốc, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đình làng Đa Cốc thờ tứ vị thành hoàng: Đông Hải, Tây Hải, Cao Sơn, Trưởng Thái giám và thờ các vị thủy tổ cùng chân linh các anh hùng liệt sĩ của làng.

Ngôi đình được xây dựng năm Ất Dậu (1705), thời vua Lê Dụ Tông, cách đây 313 năm. Trong ngôi đình còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bức cuốn thư thời Lê Trung Hưng; long ngai, bài vị, quán tẩy, bát nhang, các câu đối và 6 sắc phong của vua Cảnh Hưng, vua Khải Định.

Tại Quyết định số 883/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Giai, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Miếu Giai là nơi thờ đức thánh Hồng Võ Đại Vương-Nguyễn Thiện, một trung thần triều đại vua Hùng vương thứ 18. Hiện nay Miếu Giai còn lưu giữ được 30 sắc phong của các đời Lê, Nguyễn, trải dài từ thời Hồng Đức thứ 28 (1497) đến thời Khải Định thứ 9 (1924) ban tặng cho Hồng Võ Đại Vương. Trong đó, có đạo sắc năm Hồng Đức thứ 28 là một trong những sắc phong cổ nhất còn lưu giữ lại của tỉnh Thái Bình. Miếu có kiến trúc theo kiểu tiền nhất-hậu đinh với tổng cộng 13 gian, là kho cổ vật có giá trị về nghệ thuật như: các bức đại tự, câu đối, nhang án, long đình...

Tại Quyết định số 892/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai (23-24/9/1958), phường Lào Cai, TP Lào Cai.

Tại Quyết định số 890/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng di tích quốc gia đối với cụm di tích đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

 

Đền Măng Sơn. (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)
Đền Măng Sơn. (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).


Đền Măng Sơn được coi là Nam Cung điện, trong số Ngũ cung ở quanh khu vực Ba Vì, tương truyền đền được xây dựng từ thế kỷ XVI, trùng tu lại vào thế kỷ XVIII. Đền Măng Sơn thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - người đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đền Măng Sơn hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: 1 tấm bia đá bốn mặt “Măng Sơn tự bi ký“, kích thước khá lớn, tạo tác năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), đôi nghê gỗ đứng trên một cột trụ vuông mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17,  một số di vật như sắc phong, ngai, bài vị, bát hương, hoành phi với niên đại từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20…

Hai ngôi đình Sơn Đông và đình Sơn Trung được xây dựng cùng thời với đền Măng Sơn. Sau nhiều lần tu sửa, hai ngôi đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Hiện các bộ vì ở Đại bái còn giữ được kết cấu kiến trúc và các hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ 20…

Tại Quyết định số 881/QĐ-BVHTTDL, Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2018 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau: Xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quần thể đền Cao (gồm đền Cao, đền Bến Tràng, đền Cả, đền Bến Cả, đền thờ Vua Lê Đại Hành), thuộc phường An Lạc, TP Chí Linh, Hải Dương. Năm 2018, quần thể đền Cao đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia nhưng chưa có đền thờ Vua Lê Đại Hành trong quyết định.

Theo TUYẾT LOAN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm