Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về làng trong những ngày đầu Xuân mới là các trục đường được quét dọn sạch sẽ. Trước mỗi nhà dân, lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng.
Kê vài viên gạch, đốt 1 đống củi nhỏ bên hông nhà, anh Siu Kun cùng vợ ngồi nướng vài củ sắn, bắp ngô. Ngô, sắn bén than hồng, chẳng mấy chốc đã dậy mùi thơm lựng. Xong xuôi, vợ anh Kun lấy từ trong bếp ra vài con chuột đồng béo núc đã được làm sạch, bỏ lên bếp than tiếp tục nướng. Như hiểu điều chúng tôi thắc mắc, anh Kun cười nói: Chuột này, tối hôm qua mình và con trai bắt ngoài ruộng lúa. Chuột đồng nướng ngon lắm, đặc sản đấy!.
Gia đình ông Nay HLô (bìa trái) trò chuyện vui vẻ cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ảnh: P.D |
Chia sẻ về lý do định cư tại làng, anh Kun cho hay: “Mình ở làng Piơr 1 (xã Ia Piơr). Năm 2009 lập gia đình rồi được bố mẹ chia cho đất rẫy ở đây. Rẫy cách xa làng, đường sá đi lại khó khăn nên mình dựng chòi tạm ở lại, khi nào cần mua gì mới về làng. Nhiều gia đình cũng như thế. Rồi con cái lớn dần, chúng lập gia đình, tách ra ở riêng nên dân số ở đây ngày một đông. Hiện nhà mình có 4 khẩu đang canh tác 6 sào lúa, 9 sào mì và 5 sào điều. Năm nay, mình dự định vay vốn ngân hàng mua bò, dê nuôi để phát triển kinh tế gia đình”.
Cách nhà anh Kun không xa, gia đình ông Nay HLô cũng đang trò chuyện rôm rả cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia Lốp (Bộ đội Biên phòng tỉnh). Ai nấy đều vui mừng vì mảnh đất họ gắn bó sau bao năm đã được tỉnh công nhận lập làng. Và càng phấn khởi hơn vì sắp tới đây, làng sẽ được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Con cháu trong làng không phải vượt đường xa tìm chữ vì có điểm trường; làng có nhà sinh hoạt cộng đồng, có sân bóng,...Đặc biệt, nước từ Công trình Hồ chứa thủy lợi Ia Mơr đã dẫn về các nhánh kênh, rồi đây người dân sẽ thay đổi thói quen canh tác, từng bước cải thiện năng suất các loại cây trồng, nâng cao thu nhập, đời sống.
Gia đình anh Siu Kun đang nướng thịt chuột đồng. Ảnh: P.D |
Theo đề án lập làng, trước những năm 2000, một số hộ dân 2 làng: Piơr 1 và Piơr 2 (xã Ia Piơr) đã vào khu vực suối Khôn, ven sông Ia Lốp để canh tác. Đất đai trù phú nên số người đến canh tác ngày càng đông. Họ làm chòi rẫy ở lại để thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng. Lâu dần hình thành khu vực dân cư suối Khôn. Năm 2009, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) được phân công thực hiện dự án trồng cao su tại đây với 3 đội sản xuất cũng đã góp phần giải quyết việc làm và giúp đỡ về mọi mặt cho nhân dân tại cụm dân cư. Người dân sinh sống, canh tác ổn định, tuy nhiên công tác quản lý lại gặp khó khăn, do địa giới hành chính thuộc xã Ia Mơr, hộ khẩu người dân đều thuộc xã Ia Piơr. Đó là một trong những lý do về sự cần thiết lập làng.
Ngày 8-12-2023, làng Khôn chính thức thành lập theo Nghị quyết số 311/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Làng nằm ở phía Đông của xã, tiếp giáp với xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) và xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak). Tổng diện tích tự nhiên của làng là 519,31ha, gồm: đất ở nông thôn 2,25 ha; đất sản xuất nông nghiệp 505,85 ha; đất phi nông nghiệp 11,21 ha.
Ông Siu Nganh-Trưởng thôn cho biết: Làng có 106 hộ dân; trong đó 6 hộ người Kinh, 88 hộ Jrai và 12 hộ dân tộc khác. Thu nhập chính của người dân trong làng từ sản xuất nông nghiệp (mì, bắp, đậu, lúa và điều) và qua khảo sát, làng còn 19 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. “Diện tích đất sản xuất lớn, 3 tuyến kênh nhánh đã đi vào hoạt động, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu, sản xuất của bà con. Vụ Đông-Xuân năm nay, bà con bắt đầu canh tác lúa nước. Khoảng 80 hộ có diện tích lúa nước tại cánh đồng làng với hơn 100 ha. Hy vọng bà con sẽ sớm quen với lối canh tác mới và năng suất cây lúa đạt cao như mong đợi”-ông Nganh bày tỏ.
Đề cập về việc tổ chức Tết cho người dân năm đầu tiên thành lập làng, ông Nganh phấn khởi thông tin: 7 triệu đồng xã hỗ trợ, chúng tôi mua 1 con heo, rồi gạo nếp để làm cơm lam. Các hộ dân, nhà nào có rượu ghè thì góp thêm. Các hộ tập trung đông vui, cùng ăn uống và ca hát. Ngoài ra, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710, Đồn Biên phòng Ia Lốp cũng tổ chức các chương trình vui Xuân, đón Tết, như: “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ”, “Xuân Biên phòng-ấm lòng dân bản” và trao tặng nhiều phần quà là nhu yếu phẩm để động viên, chia sẻ cùng người dân.
Một góc làng Khôn. Ảnh: P.D |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Làng mới thành lập còn nhiều khó khăn, do đó Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Trước Tết, huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710, Đồn Biên phòng Ia Lốp tổ chức các hoạt động nhằm kịp thời chăm lo cho nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm. Về phía xã cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ngành sau Tết tập trung rà soát lại toàn bộ các điều kiện của làng: số lượng học sinh của từng bậc học; công trình điện, đường, trường, trạm; diện tích cây trồng,... Từ đó có những định hướng cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo nhân dân an tâm tư tưởng, ổn định sản xuất, tập trung phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.