Hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk bị chấm dứt hợp đồng lao động đã tự kiếm nhiều công việc khác, thậm chí làm công nhân... để tìm kế sinh nhai.
Sau nhiều thời gian chờ đợi sự điều chỉnh và cân đối của các cấp lãnh đạo, cuối cùng hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Păk, Đăk Lắk cũng ngậm ngùi khi biết kết quả sẽ phải rời bục giảng.
Trong số họ, nhiều người chấp nhận sự thật và tìm kiếm cơ hội ở những công việc khác, nhưng vẫn có nhiều giáo viên rơi vào khủng hoảng bởi chưa biết sẽ làm gì để mưu sinh.
Các giáo viên bức xúc phản ảnh với phóng viên tại UBND huyện Krông Pắk. |
Đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, chồng lại làm việc ở xa, mặc dù đã đoán trước kết quả sẽ mất việc nhưng cô giáo Hồ Thị Ngọc Dung (giáo viên ngữ Văn trường THCS Ngô Mây, Xã Vụ Bổn Huyện Krông Păk ) vẫn bần thần, bởi sau nhiều năm gắn bó với việc giảng dạy cô chưa từng nghĩ tới ngày phải tìm một công việc khác để mưu sinh.
Cô Dung buồn bã chia sẻ: “Hiện tôi vẫn chưa biết sau khi nghỉ việc mình sẽ làm gì bởi con còn nhỏ, xin việc trái ngành nghề lại không dễ”.
Được biết mức lương của cô Dung chỉ khoảng một triệu đồng một tháng nhưng vì yêu nghề nên cô luôn cố gắng để bám trụ với trường lớp, ngoài thời gian đứng trên bục giảng, buổi sáng sớm cô tranh thủ nấu thêm nồi cháo bán để cải thiện thu nhập.
Sau khi biết mình là một trong những giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng vào tháng 10/2018, mặc dù rất buồn nhưng cô vẫn cố gắng để đi dạy nốt hai tháng cuối cùng.
Cũng chung hoàn cảnh như cô Ngọc Dung, trường hợp của vợ chồng thầy Võ Văn Tuấn cũng rơi vào bế tắc khi cả hai vợ chồng thầy cùng người em vợ đều nằm trong diện phải chấm dứt hợp đồng đợt này.
Một giáo viên sau khi bị chấm dứt hợp đồng phải tìm công việc khác để mưu sinh |
Theo đó thầy Tuấn được trường THCS EaUy ký hợp đồng giảng dạy môn toán từ năm 2014. Trong suốt hơn 4 năm dạy học, thầy luôn tận tuỵ với công việc, yêu nghề và cống hiến hết khả năng của bản thân. Vì vậy, khi nhận quyết định phải chấm dứt hợp đồng, thầy Tuấn vẫn chưa hết sốc.
Thầy Tuấn chia sẻ: “Sau khi nhận thông báo của trường, tôi và nhiều giáo viên rất bức xúc, vì sau nhiều năm cống hiến, giờ lại rơi vào tình huống khó xử như bây giờ. Không chỉ bản thân chúng tôi mà gia đình họ hàng ai cũng sốc vì mất bao nhiêu tâm huyết, thời gian chỉ mong có một công việc ổn định, giờ trở thành người thất nghiệp”.
Để tiếp tục tồn tại, thầy Tuấn gom góp tiền của gia đình và vay mượn khắp nơi để mua đất trồng cà phê, ngoài thời gian làm rẫy, hễ có ai cần việc gì thầy cũng sẵn sàng làm để lấy ngắn nuôi dài.
Chọn công việc bán hàng online để kiếm sống sau khi có quyết định bị chấm dứt hợp đồng, cô Nguyễn Thị D (Giáo viên Trường THCS Ngô Mây, Xã Vụ Bổn huyện Krông Păk) chia sẻ vẫn rất nhớ trường lớp. Mỗi khi có ai hỏi về dự định tương lai cô chỉ biết thở dài vì ước mơ được quay lại bục giảng dường như đã quá xa vời.
Với thu nhập bán hàng online bấp bênh hiện nay, cô D vẫn đang chờ đợi quyết định hỗ trợ cuối cùng của huyện, với hy vọng sẽ có một số vốn nhỏ để buôn bán sinh sống, tìm kiếm cơ hội chọn được một công việc ổn định hơn.
Theo thông báo của UBND huyện Krông Păk, hơn 550 giáo viên hợp đồng của huyện sẽ chính thức bị buộc thôi việc từ đầu tháng 10/2018.
Cũng theo một lãnh đạo huyện uỷ Krông Păk, UBND huyện đề xuất hỗ trợ cho các giáo viên bị buộc chấm dứt hợp đồng với tổng số tiền ước tính khoảng 7 đến 8 tỉ đồng. Nếu các giáo viên không đồng ý với mức chi trả này họ có thể khởi kiện UBND tỉnh và các trường học ra toà.
Như VTC News đưa tin, vụ việc liên quan đến số phận của hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk từng gây xôn xao dư luận.
Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2016, UBND huyện Krông Păk ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên, trong đó ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Păk giai đoạn 2011 -2015 đã ký hợp đồng lao động với hơn 400 giáo viên dù số giáo viên tại huyện đã dôi dư.
Đến năm 2016, ông Y Suôn B yă, Chủ tịch UBND huyện tiếp tục ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học dẫn đến tình trạng bị dôi dư hàng loạt giáo viên hợp đồng và buộc phải chấm dứt hợp đồng vào tháng 10/2018 gây bức xúc trong dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lữ Đình Tính, Chánh án TAND huyện Krông Pắk cho biết, tòa nhận được đơn khởi kiện của nhóm 5 giáo viên. Tòa đã thụ lý hồ sơ và đang xem xét giải quyết theo quy định.
Thu Hà-Phan Vi (VTC News)