Ông Ngô Thanh Trà, Chủ tịch UBND P.Hòa Quý, xác nhận với Thanh Niên, vào tối 13.2, khi đang lưu thông trên đường Mai Đăng Chơn, một chiếc xe máy đã va chạm với một con bò thả rông trên đường. Hậu quả, người điều khiển xe máy bị thương nặng phải đi cấp cứu, chiếc xe máy hư hỏng nặng. Riêng con bò đã chết sau cú tông mạnh. Điều đáng nói, vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh kể từ ngày 31.12.2024, địa bàn P.Hòa Hải là khu vực không được phép chăn nuôi. Ông Trà nói thêm: "Ngành chức năng phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ ngừng chăn nuôi gia súc hoặc di chuyển đàn vật nuôi ra khỏi địa bàn, nhưng một số hộ dân vẫn chưa chấp hành. Từ ngày 17.2, chúng tôi ráo riết xử lý tình trạng này".
Nhiều năm qua, thả rông gia súc, nhất là bò trở thành vấn nạn không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. HĐND TP cũng đã ban hành nghị quyết về việc quy định khu vực nội thành của thành phố, khu dân cư không được phép chăn nuôi cùng chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi, thế nhưng tại một số địa phương, tình trạng này vẫn không thuyên giảm.
Tại khoản 2, điều 24 Nghị định 14/2021 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi) quy định, chủ gia súc thả rông sẽ bị phạt với mức phạt tiền 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép. Từ vụ tai nạn giữa xe máy với con bò đã nói ở trên, đã đến lúc các địa phương cần mạnh tay xử lý vấn nạn này, trước hết là đảm bảo an toàn giao thông. Tại TP.Đà Nẵng, từ cuối năm 2023, UBND P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) thành lập "đội bắt bò thả rông". Trâu, bò sau khi bắt được sẽ đưa về trang trại xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang) để nuôi tạm. Khi có chủ đến nhận, ngoài việc nộp phạt, chủ phải trả thêm 200.000 đồng/ngày/con cho chủ trang trại. Đây là mô hình rất đáng để tham khảo.
Theo Hoàng Sơn (TNO)