Xử lý triệt để vi phạm ATTP trong nông nghiệp ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 (từ ngày 15-4 đến 15-5), ngành chuyên môn và các địa phương đã tăng cường thanh-kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Hoạt động này nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng.
Thực hiện “Tháng hàng động vì an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, đoàn công tác của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã thanh tra 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản tại các huyện: Chư Sê, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Qua đó, đoàn đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở gồm: cơ sở sản xuất giá đỗ Hải (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt bò một nắng Thiên Hải (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) và cơ sở sản xuất nem chả Đặng Ngọc Tân (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Tổng số tiền xử phạt với 3 cơ sở này là 12 triệu đồng. Nội dung vi phạm của các cơ sở là trong quá trình sản xuất đã để nước thải ứ đọng gây mất vệ sinh; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang; không bố trí riêng biệt nơi sơ chế, chế biến và nơi đóng gói thành phẩm…
 Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.H
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.H
Cùng thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Gia Lai cũng thành lập đoàn liên ngành tiến hành thanh-kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Tại huyện Đak Đoa, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, đoàn liên ngành của huyện đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính một số cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng. Ông Mai Tấn Lợi-Chánh Văn phòng UBND huyện, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Đak Đoa-cho biết: “Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn rất cần thiết, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp người dân biết để lựa chọn sử dụng những sản phẩm ở các cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh-cho hay: Hoạt động thanh-kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản. Hiện nay, phần lớn các địa phương và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đều ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của các sản phẩm làm ra đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù vậy, theo ông Toàn, khó khăn hiện nay là phần lớn các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ nên việc tuyên truyền, vận động của cơ quan chuyên môn gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần vận động người dân liên kết sản xuất nhằm xây dựng thương hiệu uy tín; phát hiện các đối tượng có hành vi gian dối để cơ quan chức năng xử lý kịp thời; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.
 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm