Thời sự - Sự kiện

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT), trong đó, hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của hệ thống chính trị các cấp và là nỗi ám ảnh của mỗi người dân. Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới TNGT, trong đó, hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Pháp luật Việt Nam quy định: Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm quy định về nồng độ cồn thì tùy thuộc vào mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Lực lượng Công an kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Đinh Văn Nhiều

Lực lượng Công an kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Đinh Văn Nhiều

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đã tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn ở mức cao. Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào cuối năm 2023 thì 34% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ ở Việt Nam có liên quan đến rượu, bia.

Tại Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 63 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia (chiếm 31,82%). Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 410 vụ TNGT, trong đó có 89 vụ liên quan đến rượu, bia (chiếm 26,18%).

Để ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, cấp ủy và chính quyền các địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tự giác thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông, trong đó có quy định về nồng độ cồn, hình thành thói quen “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Tuy vậy, một số cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn vi phạm quy định này. Năm 2023 và quý I-2024, lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.

Mặc dù đã gần 5 tháng trôi qua nhưng vụ việc 1 Cảnh sát Giao thông ở huyện Chư Prông sau khi uống bia điều khiển ô tô gây tai nạn chết người vẫn khiến nhiều người ám ảnh. Ngoài bản án 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, bản thân bị cáo còn phải nhận lấy nhiều hệ lụy.

Có lẽ điều đầu tiên khiến bị cáo ân hận, dằn vặt là đã trót tước đi sinh mạng của một người dân vô tội. Đặc biệt, đây là hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của người sĩ quan Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Giao thông-lực lượng chuyên trách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người dân.

Từ một sĩ quan Công an nhân dân bỗng chốc trở thành phạm nhân. Đó là cái giá quá đắt cho phút giây nông nổi, bốc đồng và coi thường pháp luật của nguyên sĩ quan Cảnh sát Giao thông sinh năm 1983 này!

Trước thực trạng đó, ngày 17-9-2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương: “Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm”.

Chỉ thị cũng khẳng định: “Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý”.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.

Cùng với hệ thống văn bản pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là “thượng phương bảo kiếm” để cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang, góp phần kéo giảm TNGT.

Có thể bạn quan tâm