Thời sự - Bình luận

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Tránh "đánh trống bỏ dùi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước khi xảy ra dịch Covid-19, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy vẫn còn một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về mức phạt đối với hành vi này được áp dụng từ ngày 1-1-2020 nhưng đa số người dân đều đồng tình ủng hộ. Trên phạm vi cả nước, từ khi Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì ý thức chấp hành pháp luật về giao thông được nâng cao, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia không còn phổ biến như trước, tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm cả 3 tiêu chí.
Tại Gia Lai, thống kê từ ngày 1-1 đến 14-2, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 834 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền 2,04 tỷ đồng, tạm giữ 834 phương tiện, tước 434 giấy phép lái xe. Theo nhận định của lực lượng CSGT các địa phương, sau một thời gian tăng cường xử lý vi phạm, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, để đối phó với lực lượng chức năng, một số đối tượng đã lập trang Facebook báo chốt đo nồng độ cồn. Theo hướng dẫn của các trang Facebook này, không ít trường hợp uống rượu bia đã “thông chốt” thành công. Bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian trên, đã có 19 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ngoài ra, cũng có trường hợp lợi dụng vị thế xã hội hoặc quan hệ công tác để càn quấy, gây cản trở lực lượng thực thi công vụ. Điển hình như vụ một nhân viên trong ngành truyền thông sau khi uống rượu bia vẫn điều khiển ô tô trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku) và tông vào xe taxi Mai Linh trong đêm 6-3 vừa qua. Hậu quả là vị nhân viên “coi trời bằng vung” này đã nhận một quyết định xử phạt… không hề nhẹ!
Tổ kiểm tra đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên quốc lộ 19. Ảnh: Internet
Nhằm tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, vừa qua, Cục CSGT (Bộ Công an) đã xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Ngoài kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vận chuyển chất cháy nổ trái phép, các phương tiện chở người đi khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật.
Theo chỉ đạo của Cục CSGT, từ ngày 9 đến 15-3, các đơn vị, địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện và điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch, tổ chức tuyên truyền cho người dân biết về đợt kiểm soát, xử lý chuyên đề này của CSGT, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Từ ngày 16-3 đến 15-4, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tổ chức ra quân, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm theo kế hoạch.
Theo chúng tôi, việc chỉ đạo siết chặt kiểm tra nồng độ cồn của Cục CSGT trong thời điểm này là rất cần thiết. Bởi lẽ, một chủ trương lớn của Chính phủ muốn được người dân tự giác thực hiện thì phải có một quá trình theo dõi, đôn đốc, thậm chí phải được chế tài bởi những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Kinh nghiệm từ chủ trương của Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ đã chứng minh điều đó. Tương tự, để tránh tình trạng “nhờn luật” thì ngay từ bây giờ, ngành chức năng phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Về thực chất, siết chặt kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn là việc làm nhân đạo, vì sức khỏe và tính mạng của con người.
 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm