Thời sự - Bình luận

Tìm thầy cho bóng đá Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hôm qua 3-5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức công bố HLV người Hàn Quốc Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 nam trong thời hạn gần 2 năm với các mục tiêu cụ thể tại AFF Cup 2024 và SEA Games 2025.

Đây được xem là một quyết định vừa kịp thời, vừa hợp lý của tổ chức đang quản lý bóng đá Việt Nam và cần phải thừa nhận rằng với thực trạng của các đội tuyển hiện nay, khả năng thành công của tân HLV vẫn còn bỏ ngỏ. Bóng đá Việt Nam dù không sa sút quá nhiều nhưng chất lượng cầu thủ đã chững lại, không còn phong phú sự lựa chọn như giai đoạn mà HLV Park Hang-seo còn làm việc.

Cũng vì thế mà việc tìm thầy cho các đội tuyển trở thành một thách thức, thậm chí có thể xem là một bài kiểm tra cho những lãnh đạo giàu kinh nghiệm của VFF. Đó không đơn thuần chỉ là công việc lọc hồ sơ phù hợp và chọn ra người tốt nhất, mà là loại công việc “sai một li, đi… rất nhiều dặm” khi bản thân những người đưa ra quyết định cũng không có nhiều cơ sở để bảo đảm thành công. Trường hợp của HLV Park Hang-seo và Troussier là điển hình. Người bị ngờ vực nhiều nhất thì lại thành công tuyệt đỉnh, trong khi người có đẳng cấp cao nhất từng làm việc ở Việt Nam lại thất bại và đẩy bóng đá Việt Nam vào cuộc khủng hoảng không nhỏ.

Khác với trước đây, khi việc tìm HLV trưởng người nước ngoài thường đến từ lời giới thiệu hoặc có liên quan đến nguồn trả lương, thì nay chọn HLV nào, đến từ đâu, mức độ phù hợp thế nào… đều có liên quan mật thiết đến tầm nhìn cũng như năng lực đưa ra quyết định của lãnh đạo VFF. Bóng đá Việt Nam đã qua thời “khoán” đội tuyển cho HLV trưởng và đợi vận may thành công. Chúng ta đang có một vị thế tốt ở châu Á, đã tiếp cận đến những sân chơi vĩ đại như World Cup và cũng đủ… tài chính để mở rộng đối tượng chọn lựa. Nói cách khác, từ chỗ bị động thì nay VFF đang buộc phải chủ động nhiều hơn khi “thuê” HLV người nước ngoài. Trong đó, phải kể đến khả năng đàm phán hợp đồng, lường trước những rủi ro pháp lý và các hướng xử lý khủng hoảng khi mọi thứ không theo đúng tinh thần hợp đồng.

Đó không phải là trách nhiệm mà còn là đòi hỏi của xã hội, của cộng đồng bóng đá đối với VFF. Đơn cử như bóng đá nữ, mất gần 30 năm duy trì, phát triển mới có được lần đầu dự vòng chung kết World Cup cùng HLV Mai Đức Chung, người ngoài 70 tuổi vẫn phải dốc lòng cùng bóng đá nữ. Vì vậy mà chọn ai để tiếp nối “di sản” của ông Mai Đức Chung thực sự rất quan trọng. Chúng ta không thể nỗ lực nhiều như vậy để rồi chỉ vì chọn sai thuyền trưởng mà cả đoàn tàu phải đi vào bão tố, tan tác mọi công sức. Hoặc như với bóng đá nam, được phần lớn người yêu bóng đá trao gửi niềm tin, đã từng thăng hoa dưới thời HLV Park Hang-seo nhưng chỉ sau vài tháng trao quyền cho HLV Troussier thì như chính nhà cầm quân người Pháp này thừa nhận là có đến 80% cổ động viên Việt Nam mất lòng tin ở đội tuyển.

Thế nên, chọn HLV nào cho các đội tuyển là thử thách năng lực đối với VFF. Việc sớm công bố tân HLV trưởng cho bóng đá nam được đánh giá là thành công bước đầu của tổ chức này, ít nhất là khả năng đưa ra quyết định và những tiến bộ trong cách thiết lập điều khoản hợp đồng với HLV mới để bảo đảm cho công tác giám sát công việc chuyên môn trên tinh thần HLV có thay đổi nhưng con tàu đội tuyển thì không thể chệch hướng thêm nữa.

Cuối cùng, ở góc độ vĩ mô, việc tìm “thầy” cho các đội tuyển cũng là lời cam kết của lãnh đạo VFF về tầm nhìn chiến lược phát triển ổn định cho nền bóng đá nói chung. Một HLV có quan điểm phù hợp với bản sắc bóng đá Việt Nam sẽ làm yên tâm các HLV đang làm việc ở CLB cũng như những tuyến trẻ, tạo ra sự liền mạch mang tính ổn định, qua đó mới tránh lãng phí các nguồn lực xã hội đã đóng góp cho bóng đá Việt.

Có thể bạn quan tâm