Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 11-10 đã họp cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH năm 2017.
Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. |
Tham nhũng luôn được cử tri "ưu ái"
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, có 2.396 ý kiến, kiến nghị gửi tới QH trước kỳ họp thứ 4. Phó Chủ tịch MTTQ Bùi Thị Thanh cho biết cử tri và nhân dân phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự; thu hồi tài sản tham nhũng thấp; việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân đề nghị quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh và kiên quyết xử lý đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác, đồng thời công khai kết quả giải quyết cho nhân dân biết để giám sát.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn phản ánh về tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số cơ quan, địa phương; hiện tượng người dân vẫn phải "lót tay" để giải quyết công việc, thủ tục hành chính; tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng đối với lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ cũng đang gây nguy cơ bất ổn trong xã hội.
Đại biểu QH giám sát chính cơ quan mình lãnh đạo
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp QH thứ 3, Trưởng Ban Dân nguyện (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải cho biết 63 đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri vẫn còn hạn chế. Cử tri TP HCM, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH. Theo đó, một số đại biểu QH còn chưa dành đủ thời gian tương xứng cho công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các đại biểu QH công tác ở các cơ quan trung ương, đại biểu kiêm nhiệm; việc tiếp công dân ở một số nơi đôi khi còn hình thức.
Sẽ miễn nhiệm 2 thành viên Chính phủ Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 15 của UBTVQH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo kế hoạch tại kỳ họp thứ 4, QH sẽ miễn nhiệm chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Do đó, đề nghị bổ sung vấn đề nhân sự vào chương trình kỳ họp. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết do Hội nghị Trung ương 6 mới kết thúc vào trưa 11-10 nên hồ sơ, tờ trình nhân sự chưa chuẩn bị kịp, Chủ tịch QH đề nghị Ban Công tác đại biểu (UBTVQH) phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị sớm phương án nhân sự để UBTVQH cho ý kiến vào chiều 13-10, trước khi trình ra QH. |
Nguyên nhân là do tỉ lệ các đại biểu QH hoạt động kiêm nhiệm cao (chiếm 65% tổng số đại biểu). Các đoàn đại biểu QH chủ yếu chỉ có 1 đại biểu QH chuyên trách nên việc tổ chức và tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương có những khó khăn nhất định. "Một số đại biểu QH lại là người đứng đầu cơ quan ở địa phương, là cơ quan bị giám sát nên đôi khi cũng ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong việc xác định các nội dung giám sát" - bà Hải nhấn mạnh.
Bảo Trân/nld