Thời sự - Bình luận

"Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Từ ngàn xưa, mỗi lần Tết đến Xuân về là dịp mà người Việt cùng nhau "thanh lý" chuyện cũ, bỏ qua những giận hờn, oán trách, tha thứ và khoan dung; về với ông bà tổ tiên và quê hương, làng xóm, gặp mặt những người thân yêu, bè bạn, ôn lại những kỷ niệm; rồi gặp người có hiểu biết rộng ở trong làng để xin chữ, nghe luận bàn và dự báo về thế sự và thời vận, nghĩ về những ý tưởng mới, những dự định mới, các kế hoạch trong năm tới.

Mọi người thường chúc nhau về một năm mới tốt lành, về một tương lai. Mùa Xuân là sự bắt đầu, vạn vật cũng thế, con người cũng vậy. Ai cũng mong muốn làm mới cuộc sống. Mùa Xuân và đổi mới. Đổi mới để có những mùa Xuân ngày càng vui hơn.  


 

Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Ảnh: TRẦN THẾ PHONG



Mùa Xuân chuẩn bị và bắt đầu cho một mùa phát triển. Đổi mới cũng là vì sự phát triển, để mà phát triển, không phải chỉ một lần là xong, mà vừa phải thường xuyên, liên tục vừa tìm các đột phá nhằm tạo những bước tiến "nhảy vọt". Châu Âu từ một châu thổ tụt hậu, bị nô lệ của thần quyền, sau Phục Hưng và Khai Sáng họ đã vượt lên, bỏ châu Á lại phía sau trong đêm dài của chế độ phong kiến. Vào thế kỷ XIX, từ một quốc gia chưa phát triển, nước Đức, rồi nước Nhật, đã có một cuộc cải cách lớn để thành một nước công nghiệp cường thịnh sau đó. Hàn Quốc và Singapore cũng vậy. Các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc cũng thế. Và Việt Nam ta nữa, nếu hơn 30 năm qua không đổi mới thì bây giờ tủi hổ lắm, hoặc đã bị đổ vỡ. Tư duy của con người là sức mạnh vô địch để hưng thịnh và tiến lên.

Liên Xô và các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cách đây mấy chục năm cũng là một thực tế rất đáng suy ngẫm. Đã có lúc ta coi Liên Xô là thành trì cách mạng. Từ một quốc gia hùng mạnh bỗng nhiên ngã đổ nhanh đến mức không hiểu nổi. Cũng bởi nguyên nhân chính là chủ quan, bảo thủ, không chịu đổi mới, để sự trì trệ kéo dài, thoái hóa trầm trọng, phát sinh các mâu thuẫn nội bộ và xã hội. Ngày đó, trong các nước định hướng xã hội chủ nghĩa đã có nhiều lần xuất hiện các tư tưởng muốn cải cách, muốn thực hiện kinh tế thị trường và dân chủ hóa nhưng đều bị quy kết tất cả vào "chủ nghĩa xét lại", bị lên án, bị dẹp bỏ, bị lật đổ, không có những nhà lãnh đạo đủ quyền lực và thông thái quan tâm tiếp thu. Để rồi sau đó, đến khi sự thoái hóa đã vượt ngưỡng thì không quay trở lại được, phải đổ vỡ.

Năm năm nay, sau Đại hội XII của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước đã phấn khởi, hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Đó là một thực tế đáng ghi nhận về kết quả của công việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch trong nhiệm kỳ XII. Tất nhiên, cũng mới là kết quả bước đầu, tuy rất quan trọng và đáng khích lệ, đã củng cố niềm tin về sự chân chính của bộ máy cầm quyền, song vẫn chưa đủ, hoàn toàn chưa đủ, mà phải tiếp tục nhiều nữa nhiệm vụ chống tham nhũng nhằm xây dựng bộ máy thật sự trong sạch, vững mạnh; thật sự hết lòng vì dân, vì nước.

Lãnh đạo Đảng và nhà nước đã tuyên bố quyết tâm chống tham nhũng và thực tế nhiệm kỳ XII cũng đã làm khá mạnh mẽ, được nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân rất đồng tình, mặc dù đây đó cá biệt cũng có những ý kiến không bằng lòng, thậm chí có xuyên tạc về ý nghĩa. Đó cũng là chuyện dễ hiểu, nhận thức luôn còn những khác nhau, ấy là chưa kể sự phản ứng của một bộ phận liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.

Cũng có ý kiến lo rằng cuộc chiến chống tham nhũng nếu đẩy mạnh nhiều sẽ ảnh hưởng đến phát triển. Tôi thì không nghĩ như thế, về cơ bản là phải đẩy mạnh chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" thì mới có một môi trường trong sạch và bình đẳng để phát triển lâu dài và bền vững. Thực tế nhiệm kỳ qua cũng đã cho thấy trong khi đẩy mạnh chống tham nhũng, nền kinh tế vẫn làm được không ít việc tốt hơn trước đó. Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là nhiệm kỳ qua ta chỉ toàn ưu điểm, không có gì phải rút kinh nghiệm trong công cuộc chống tham nhũng. Cũng phải thấy rằng trong thực tế, cũng không ít trường hợp do phương pháp cụ thể trong đấu tranh chống tham nhũng chưa tốt hoặc có người lợi dụng chống tham nhũng để làm ăn, kể cả dùng truyền thông bẩn để "làm tiền", gây không ít tác hại, làm cho nhiều công việc trở nên đình trệ, cán bộ không dám làm, ngồi chờ. Gần đây, Ban Tổ chức Trung ương đã chuẩn bị một cơ chế bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động dám làm vì lợi ích chung. Thế là đã nhìn thấy tình hình và đang nghĩ theo hướng đúng.        

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần nhấn mạnh là phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện về tư duy, cơ chế, thể chế quản lý đất nước, kinh tế và xã hội. Đổi mới trước tiên là để phát triển, đồng thời đổi mới cũng là để chống suy thoái một cách chủ động, căn bản và lâu dài, ngăn ngừa từ xa nguyên nhân (về cơ chế, thể chế) sinh ra tiêu cực, thoái hóa, chứ không chỉ là đối phó bị động trong xử lý tình thế khi đã để xảy ra rồi. Bây giờ, sau một nhiệm kỳ đẩy mạnh chống tham nhũng rồi, đã đến lúc phải tập trung cao độ để nghĩ ngay cho việc lâu dài bền vững, hẳn nhiên phải có bước đi phù hợp.

Phải tập trung cho đổi mới thể chế, để chớp lấy thời cơ mà phát triển mạnh mẽ đất nước, đồng thời để phòng chống tham nhũng từ các kẽ hở của thể chế. Đổi mới là cách phòng chống tham nhũng cơ bản và tốt nhất. Đổi mới cũng là chống tham nhũng từ gốc, từ nguyên nhân sinh ra, dù sự trừng trị nghiêm minh bằng pháp luật vẫn rất cần nhưng chưa đủ, mà phải bằng thể chế minh bạch, dân chủ và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quyền lực. Đó là giải pháp chính yếu và quan trọng nhất.

35 năm trước, công cuộc đổi mới đã chính thức có chủ trương của Đại hội Đảng VI, đã bắt đầu từ cơ chế quản lý theo hướng mở, dân chủ hơn, hướng đến phát triển nhiều thành phần và giải phóng năng lực sản xuất, dù chỉ tập trung nhiều cho kinh tế là chủ yếu. Cũng phải nói thêm, trước đó khoảng 5 năm, đã có một số đồng chí ở Trung ương và một số địa phương, mặc dù chưa có nghị quyết của Đại hội Đảng nhưng đã dũng cảm đi đầu về đổi mới quản lý nông nghiệp trong hoàn cảnh rủi ro cao, rất dễ bị "chụp mũ" và kỷ luật. Chính họ mới là những người đi tiên phong đổi mới đầu tiên. Vì sao những con người ấy lại dám làm và sau này cũng lặng lẽ, khiêm nhường, không hề kể về công tích? Vì họ đã thật sự gắn bó với nhân dân, biết lắng nghe dân và hành động thật sự vì dân. Thực tiễn cuối cùng đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của quy luật khách quan, chỉ ra con đường đúng và hướng đi trong đổi mới. Lịch sử không thể và không được lãng quên những con người đã vì nhân dân mà không ngại nguy hiểm cho cá nhân mình.

Ngày đó, cuộc đổi mới bắt đầu trước tiên từ nông nghiệp và lan rộng ra trên mặt trận kinh tế, chủ yếu là đột phá về cơ chế. Giai đoạn tiếp theo đây nên chọn đột phá là gì? Tôi nghĩ nên chọn một đột phá là cải cách thể chế, mà trọng tâm là trên lĩnh vực giáo dục và môi trường chính trị nhằm kiểm soát tốt việc sử dụng quyền lực và thúc đẩy sự phát triển của con người.

Nhân mùa Xuân mới, mong và chúc cho đất nước ta yên bình và phát triển cường thịnh!

TS. Vũ Ngọc Hoàng
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm