Thời sự - Bình luận

Xuất khẩu gạo tăng mạnh: Lợi gần nhưng vẫn phải lo xa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.
Việt Nam đang có cơ hội tăng tốc xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang có cơ hội tăng tốc xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trị giá xuất khẩu gạo tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức trên 2,3 tỉ USD.

Với tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới ở thời điểm hiện tại và 6 tháng cuối năm, cùng với giá gạo đang tăng cao thì mục tiêu xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn gạo, đạt hơn 4 tỉ USD là trong tầm tay. Đây sẽ mức kỷ lục lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam.

Vui là bởi cơ hội cho gạo Việt Nam tiếp cận thêm thị trường, giá gạo tăng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo cũng có cơ hội tăng thu.

Song về mặt chiến lược, trong bối cảnh thiên tai bất thường và tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới bất ổn thì xuất khẩu gạo không phải là lĩnh vực ưu tiên. Bằng chứng là tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được phê duyệt cuối tháng 5.2023, mục tiêu đưa ra là đến năm 2030 sẽ giảm khối lượng xuất khẩu xuống chỉ còn 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương chỉ là 2,26 tỉ USD, chấp nhận nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Lý do là cần đảm bảo an ninh lương thực.

Nếu như nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tăng cường dự trữ cho thấy nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Việt Nam là nước chuyên xuất khẩu nhưng các chuyên gia cảnh báo nếu “có bao nhiêu, xuất bấy nhiêu” sẽ tạo ra sự mất cân đối, đặc biệt nguồn gạo dự trữ không đảm bảo.

Chính vì thế, dù tạo điều kiện để các thương nhân tăng cường xuất khẩu nhưng Bộ Công Thương đã phải khuyến cáo các địa phương, các thương nhân phải thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.

Mức dự trữ theo quy định nêu trong Nghị định 107 ghi rất rõ: “Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó”.

Đây chính là yếu tố cơ bản để đảm bảo lượng gạo dự trữ cũng như không để xảy ra tình trạng lạm phát giá gạo cũng như lương thực trong nước nói chung.

Vấn đề hiện nay chính là làm sao giám sát và kiểm soát được việc xuất khẩu gạo đúng theo Nghị định 107 tránh trường hợp đua nhau tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo.

Lợi gần nhưng cũng phải biết lo xa.

Có thể bạn quan tâm