Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Xúc phạm danh dự nghề nghiệp của nhà giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc cô giáo buộc phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh đã trở thành câu chuyện lớn hơn của cả ngành GD-ĐT khi mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh; giữa nhà trường với giáo viên đang có biểu hiện bị xâm phạm một cách thô bạo.
 

Trường tiểu học Bình Chánh, nơi cô N. đang công tác
Trường tiểu học Bình Chánh, nơi cô N. đang công tác



Hôm qua, Báo Thanh Niên có bản tin cô giáo B.T.T.N, giáo viên (GV) lớp 4 Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức, Long An) phạt học sinh (HS) quỳ gối trong lớp. Sau đó, một số HS không dám đến lớp nên phụ huynh tới trường tạo áp lực buộc lòng cô giáo phải quỳ gối xin lỗi số phụ huynh này. Thông tin này ngay lập tức gây nên nhiều ý kiến trong dư luận.

Thượng tôn pháp luật

Dư luận một phần cho rằng hình thức phạt của cô giáo với HS là không phù hợp, ảnh hưởng đến tâm lý HS. Tuy nhiên, hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc với cách hành xử của phụ huynh.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), thốt lên: “Không thể chấp nhận được việc ép GV phải xin lỗi bằng hình thức quỳ gối! Điều này vừa trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc vừa xúc phạm danh dự nghề nghiệp của nhà giáo”.

Ông Đại cũng cho rằng việc GV cần xin lỗi công khai, chân thành tới HS và phụ huynh là điều tất yếu phải làm trong câu chuyện cụ thể này, nhưng nếu dùng một hành vi sai trái để “chuộc lỗi” thì sự việc vốn đã sai lại càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường bị đẩy đi quá xa so với giới hạn cho phép và trở thành một nỗi đau của ngành.

Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cũng cho rằng GV vi phạm có thể xử lý kỷ luật đến mức nặng nhất là đuổi khỏi ngành, nhưng phải xử lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải để phụ huynh xử lý theo “luật rừng” như vậy.

Theo ông Đặng Đình Đại, ngăn chặn những hành vi xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của GV cũng chính là để bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo, bảo vệ vị thế của người thầy trong xã hội. “Nếu ngành GD-ĐT không có động thái quyết liệt trong những vụ việc như thế này thì còn không ít GV sẽ phải “quỳ gối”, HS sẽ không còn tôn trọng người thầy của mình”, ông Đại nêu vấn đề.

Ở khía cạnh khác, ông Hà cho rằng GV cũng cần coi đây là một bài học kinh nghiệm, bởi bản thân mình trước hết phải hành xử đúng thì mới giáo dục được HS và xứng đáng được hưởng sự tôn trọng như mình mong muốn từ xã hội.

Vai trò của nhà trường ở đâu?

Cũng theo ông Hà, đáng tiếc hơn là sự việc diễn ra ngay trong trường học mà nhà trường đã để cho GV và phụ huynh hành xử với nhau như là giải quyết mâu thuẫn cá nhân ở ngoài đường. Đây là câu chuyện giáo dục của nhà trường và lẽ ra ban giám hiệu phải đứng ra giải quyết thấu đáo chứ không thể đứng ngoài cuộc để mỗi cá nhân tự làm tự chịu như vậy.

Ông Đặng Đình Đại chia sẻ: “Bản thân lãnh đạo nhà trường phải cương quyết hơn và thể hiện vai trò làm người hòa giải, người cầm cân nảy mực khi có mâu thuẫn giữa GV và gia đình HS”.

Một GV tiểu học tại tỉnh Bắc Giang chia sẻ với PV Thanh Niên: “Tôi đã khóc khi đọc những dòng tin liên quan đến việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì bản thân tôi cũng từng trải qua tình huống đáng sợ khi phải đối mặt với phụ huynh có biểu hiện quá khích. May mà cả ban giám hiệu và GV trong trường đã tìm mọi cách can ngăn, hóa giải và quyết liệt bảo vệ GV. Bản thân tôi đã xin lỗi HS, phụ huynh và nhận hình thức kỷ luật, cắt mọi danh hiệu thi đua của năm đó. Tuy nhiên, cũng sau sự việc này tôi đã phải nghiêm túc thay đổi, không áp dụng bất cứ hình phạt nào xúc phạm đến thân thể và danh dự của HS”.

Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý đúng người, đúng việc


Liên quan đến sự việc này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: Ngay sau khi có thông tin, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục liên hệ trực tiếp với cơ sở để xác minh rõ thông tin và báo cáo nhanh về Bộ để từ đó có phương án xử lý kịp thời.

Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là đúng người, đúng việc; Một mặt, đảm bảo GV thực hiện đúng các quy định; Mặt khác, có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo nếu có hình thức đối xử với các thầy cô không đúng quy định pháp luật, làm tổn hại đến danh dự, thanh danh nhà giáo.

“Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD-ĐT Long An xác minh sự việc. Về nguyên tắc, nếu GV sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của GV cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu vi phạm pháp luật”, ông Minh nêu quan điểm.
Ông Minh cũng cho biết sau khi có thông tin chính thức từ Sở GD-ĐT, Cục sẽ có văn bản nhắc nhở đội ngũ nghiêm túc thực hiện đúng theo các quy định; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý những trường hợp xúc phạm nhà giáo.

Đau lòng khi giáo viên chấp nhận quỳ gối

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên GV Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng: Tiên trách kỷ hậu trách nhân, đầu tiên GV mắc lỗi sư phạm khá nặng nề khi dùng hình thức buộc quỳ gối để phạt trò. Cô giáo còn có lỗi nặng hơn, khiến đau lòng những lương tri nhiều hơn khi chấp nhận quỳ gối trước sự uy hiếp của phụ huynh! Thật buồn khi phải thừa nhận đó là sự kém cỏi cả về năng lực và nhân cách!

Không thể lấy cái sai này để sửa cho một cái sai khác. Khi những người làm cha mẹ bắt cô giáo của con mình quỳ gối, những bậc làm cha mẹ ấy đã hủy hoại từ nhân cách của mình tới nhân cách con cái, hủy hoại nền tảng đạo lý cơ bản nhất trong các mối quan hệ: cha mẹ - con cái, thầy - trò... Họ không hiểu rằng để thỏa mãn cơn tức giận, họ đã tước bỏ của con mình những điều đẹp đẽ, thiêng liêng của đạo làm người. Từ nay, các con sẽ lớn lên với niềm tin: trên đời, không có gì là không thể. Nếu muốn, có thể dùng sức mạnh uy hiếp tất cả, buộc quỳ gối tất cả! Một trong những phương tiện giáo dục quan trọng nhất là nhân cách của người giáo dục. Với cha mẹ, thầy cô như thế, con cái chúng ta sẽ lớn lên thế nào đây?

Tuệ Nguyễn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm