Y tế cơ sở tại Gia Lai: Khó thu hút bác sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai có chính sách đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng và tổ chức các đợt thi tuyển bác sĩ. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh vẫn đang trong tình cảnh thiếu bác sĩ trầm trọng, nhất là ở tuyến cơ sở. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám-chữa bệnh.

 

Nhu cầu cao, tuyển được ít

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 220 trạm y tế tuyến xã, 17 trung tâm y tế tuyến huyện, 6 bệnh viện tuyến tỉnh với 4.050 giường bệnh. Cả tỉnh hiện có 750 bác sĩ, trong đó, tuyến tỉnh 207 người, tuyến huyện 371 người và tuyến xã 172 người. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân mới chỉ đạt 7,7; tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sĩ là 90%; bình quân số giường bệnh/vạn dân là 27,1.

Dù có 4.355 cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế nhưng nguồn nhân lực của ngành vẫn thiếu hàng trăm người, nhất là bác sĩ. Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-thông tin: “Ngoài việc thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, giải phẫu thì còn thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã. Hiện nay, 48/220 trạm y tế tuyến xã chưa có bác sĩ”.

Tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám-chữa bệnh. Ảnh: ĐỨC THỤY
Tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám-chữa bệnh. Ảnh: ĐỨC THỤY



Bác sĩ Bùi Văn Sơn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang-cho hay: “Mang Yang có 12 trạm y tế xã nhưng mới có 9 trạm có bác sĩ. Nguyên nhân thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã là do xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác đi nơi khác. Trong 4 năm (2016-2019), chúng tôi chỉ tuyển được 1 bác sĩ cử tuyển về công tác tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, sau đó, bác sĩ này cũng xin nghỉ việc vì trình độ chuyên môn chưa cao. Hiện nay, ngoài thiếu bác sĩ, Trung tâm Y tế huyện còn thiếu một số vị trí khác như: nhân viên chuyên trách dân số, nữ hộ sinh, điều dưỡng”.

Tương tự, bác sĩ Phan Văn Hưng-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh-chia sẻ: “Trung tâm hiện thiếu khoảng 5 bác sĩ ở trạm y tế xã và các khoa, phòng chức năng. Việc tuyển dụng bác sĩ gặp khó, chủ yếu là hàng năm chúng tôi cử y sĩ đi học rồi phân công về lại nơi làm việc”.

Để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân, những năm qua, Sở Y tế đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, tổ chức tuyển dụng nhân lực y tế, nhất là tuyển bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở. Tuy vậy, số lượng bác sĩ được tuyển dụng hàng năm chưa đủ cho các cơ sở y tế trực thuộc, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh tuyển được 157 bác sĩ/206 người dự tuyển. Bên cạnh đó, từ 2016 đến nay, ngành Y tế còn cử 50 người đi học bác sĩ cử tuyển. Trong số này, hiện có 7 bác sĩ cử tuyển xin nghỉ việc và đang làm thủ tục bồi hoàn chi phí đào tạo.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: “Đến cuối năm nay, tỉnh ta có 145 bác sĩ được cử đi đào tạo sẽ ra trường, trở về địa phương công tác nhưng lại có 61 bác sĩ sẽ nghỉ hưu. Chính vì thế, ngành Y tế vẫn thiếu bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở. Năm 2020, chúng tôi dự tuyển 204 bác sĩ cho các đơn vị trực thuộc nhưng chưa rõ số lượng tuyển được là bao nhiêu”.

Cần giải pháp căn cơ

Thiếu nhân lực y tế, nhất là bác sĩ ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại các địa phương. Nhằm đánh giá tình hình tuyển dụng và việc phân công bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã trong những năm qua, mới đây, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với 3 trung tâm y tế tuyến huyện và Sở Y tế. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế, trung tâm y tế, UBND các huyện đã trình bày những cách làm hay cũng như những khó khăn, bất cập và kiến nghị cấp trên có giải pháp căn cơ để tuyển dụng, đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám-chữa bệnh. Ảnh: N.T
Tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám-chữa bệnh. Ảnh: N.T

Ông Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh: Sở Y tế cần tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nhân lực y tế cho những năm tới; rà soát cơ sở vật chất để có kế hoạch từng bước xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại; xây dựng kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần đề xuất các giải pháp để tỉnh có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc.



Một trong những đơn vị làm tốt việc phân công bác sĩ về trạm y tế xã công tác là Trung tâm Y tế huyện Kbang. Hiện nay, huyện Kbang có 14 bác sĩ công tác tại 13 trạm y tế xã. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang Vũ Trung Hiếu, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể về việc đào tạo bác sĩ cho đơn vị và tuyến xã. “Hàng năm, chúng tôi cử y sĩ công tác tại trạm y tế đi đào tạo chuyên tu lên bác sĩ với cam kết sau khi ra trường sẽ về công tác tại địa phương. Đa số người được lựa chọn đi học có gia đình ở địa bàn nên khi hoàn thành khóa học sẽ trở lại trạm làm việc. Khi cử y sĩ đi học, Trung tâm cử bác sĩ xuống trạm thay thế. Ở bệnh viện huyện, nếu có bác sĩ nghỉ hưu sẽ điều chuyển y sĩ đã học xong chuyên tu lên bác sĩ về thay thế”-ông Hiếu chia sẻ.

Theo bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, có nhiều nguyên nhân khiến việc tuyển dụng bác sĩ về công tác tại huyện gặp khó khăn như: mức lương chi trả chưa tương xứng; bác sĩ lo lắng khi làm việc ở trạm sẽ “lụt nghề”; cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp… “Để bác sĩ về công tác tại cơ sở thì cần điều chỉnh hệ số lương, các chế độ phụ cấp thu hút; có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ y tế tại địa phương khi theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Đối với những bác sĩ công tác ở bộ phận hành chính cần hỗ trợ thêm ngân sách để chi trả lương vì việc nhiều nhưng kinh phí trả lương lại từ nguồn tự chủ của Trung tâm. Ngoài ra, các cấp thẩm quyền cần cân nhắc đào tạo nguồn bác sĩ cử tuyển”-ông Quang kiến nghị.

Về phía Sở Y tế, ông Mai Xuân Hải đề xuất: “Do cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, tay nghề giỏi chưa phù hợp nên việc phân bổ có sự chênh lệch rõ rệt. Số bác sĩ có trình độ, tay nghề cao tập trung nhiều ở tuyến tỉnh. Do đó, chúng tôi đề nghị Trung ương có chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về vùng sâu, vùng xa; tăng thêm phụ cấp thường trực cho nhân viên ngành Y tế; điều chỉnh mức lương bác sĩ công tác ở vùng khó khăn. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho một số chuyên ngành như gây mê, hồi sức; trong khi chờ tuyển dụng viên chức, công chức thì cho đơn vị được tuyển dụng hợp đồng lao động để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ sở y tế; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện đại cho ngành Y tế”.

NGUYỄN TÚ





 

Có thể bạn quan tâm