Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

150 tác phẩm nghệ thuật thiếu nhi và hành trình vẽ nên những tâm hồn đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các tác phẩm tranh vẽ và thiết kế thời trang đẹp mắt của các họa sỹ nhí là minh chứng cho vai trò của nghệ thuật trong việc hình thành những nhân cách tốt đẹp để đóng góp cho xã hội.

Một góc triển lãm với những mảng màu rực rỡ của trẻ thơ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Một góc triển lãm với những mảng màu rực rỡ của trẻ thơ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

150 tác phẩm rực rỡ màu sắc từ các học viên trẻ tuổi đã được giới thiệu đến công chúng tại Hà Nội, thông qua triển lãm “Hành trình trẻ thơ vẽ nên hạnh phúc” do Xưởng Nghệ thuật Nguệch Ngoạc thực hiện. Sự kiện diễn ra sáng 27/10 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ (Hà Nội).

Cũng qua hoạt động này, những thông điệp ý nghĩa về giáo dục nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng trong cuộc sống được truyền tải tới đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Bùi Vân Khánh bên cạnh tác phẩm của mình (tranh khổ lớn). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bùi Vân Khánh bên cạnh tác phẩm của mình (tranh khổ lớn). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bùi Vân Khánh - một học sinh lớp 7 có tranh treo tại triển lãm - nói rằng điều em thích nhất là vẽ ra những gì gây rung động cho mình. Bởi với em vẽ xấu hay đẹp không quan trọng bằng việc muốn vẽ.

"Nếu có một bạn nói không biết vẽ hoặc sợ mình vẽ xấu, thì em sẽ nói không sao cả, hãy cứ vẽ như những gì mình mong muốn. Tin vào bản thân thì bạn sẽ làm được!” Vân Khánh nói.

Chị Hồ Hoài Phương - một phụ huynh từ quận Long Biên có con gái thích vẽ cũng tìm thấy niềm vui khi biết con muốn trở thành họa sỹ. Là một cán bộ tại Cục Nghệ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chị hiểu mỹ thuật không chỉ là một môn phụ trong chương trình học chính khóa, mà còn chính là một phương tiện giúp nuôi dưỡng tâm hồn, là nơi để con cân bằng những cảm xúc tiêu cực và tích cực trong cuộc sống: “Từ mỹ thuật các con quan tâm và quan sát cuộc sống nhiều hơn, biết kết nối và yêu thương mọi người,” chị Phương chia sẻ.

150 tác phẩm được trưng bày trải rộng trên đủ chất liệu, từ tranh giấy trắng, lụa, giấy dó, cắt dán thủ công, sử dụng các loại màu hay dùng cả chất liệu tái chế… đến những thiết kế thời trang hiện đại, đẹp mắt theo cách rất riêng.

“Tranh của người lớn luôn có chất đúng sai, có lý trí bên cạnh tình cảm. Nhưng tranh các cháu nhỏ thì luôn đầy tình cảm, là sự trong sáng ngây thơ và cả sự vô lý,” họa sỹ kỳ cựu Lê Thiết Cương chia sẻ tại triển lãm. Và theo ông, học vẽ không phải chỉ để trở thành họa sỹ, nhà thiết kế thời trang hay thiết kế đồ họa mà để luyện mắt thẩm mỹ và làm cho tâm hồn mình đẹp hơn

Không gian phố cổ 50 Đào Duy Từ trở thành phòng tranh sống động của các em nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Không gian phố cổ 50 Đào Duy Từ trở thành phòng tranh sống động của các em nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nếu nguệch ngoạc là những gì khởi nguyên nhất, giúp khơi dậy bản năng thì những lý thuyết mỹ thuật sẽ giúp người vẽ trưởng thành. Tuy vậy những nguyên tắc về bố cục, màu sắc, giải phẫu cơ thể… không phải yếu tố để gò người vẽ vào những khuôn khổ cứng nhắc mà ngược lại, giúp khai mở và làm chủ sức sáng tạo.

Bởi vậy chị Nguyễn Ký - người 10 năm sáng lập và vận hành Xưởng Nghệ thuật Nguệch Ngoạc cũng luôn tâm niệm: “Những kiến thức đó chính là để các bạn thoát ra để tự do sáng tạo, làm chủ và bay bổng để làm ra những tác phẩm tuyệt vời nhất, mang tính cá nhân và riêng có nhất của mỗi người”.

Theo Minh Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm