Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

2020: từ Việt Nam chiêm ngưỡng 3 lần nguyệt thực, 1 lần nhật thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lần nguyệt thực gần nhất là vào 11-1 sắp tới nhưng không phải "trăng máu" quen thuộc mà là dạng "nguyệt thực nửa tối".

 

Sau nhật thực tuyệt đẹp cuối cùng của thế kỷ xảy ra cuối tháng 12-2019, người Việt Nam lại có cơ hội chiêm ngưỡng 4 lần mặt trăng và mặt trời biến ảo kỳ diệu.

Rạng sáng 11-1 theo giờ Việt Nam, khi mặt trăng của ngày 17 âm lịch vẫn còn khá tròn, một chiếc bóng mờ sẽ che phủ phần lớn vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất. Nguyệt thực bắt đầu lúc 0 giờ 7 phút, đạt đỉnh lúc 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 4 giờ 12 phút. Đây là dạng "nguyệt thực nửa tối", khá khó quan sát.


 

Bản đồ của Time and Date cho thấy Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng nguyệt thực (tô hồng) - ảnh: TIME AND DATE
Bản đồ của Time and Date cho thấy Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng nguyệt thực (tô hồng) - ảnh: TIME AND DATE



Nguyệt thực vốn có 2 dạng chủ yếu. Một là nguyệt thực dạng "trăng máu", khi đó mặt trời, trái đất và mặt trăng hầu như thẳng hàng, mặt trăng hoàn toàn lọt vào vùng tối đen của trái đất và chuyển sang màu đỏ. Hai là "nguyệt thực nửa tối", tức mặt trăng chỉ lọt vào phần rìa của bóng trái đất, vốn chỉ tối một nửa; người quan sát chỉ thấy mặt trăng như bị một chiếc bóng mờ phủ qua, nó thường mang màu xám hoặc thi thoảng có màu cam nhạt. Cả 2 dạng đều có thể là nguyệt thực toàn phần hoặc bán phần.

 

Ảnh đồ họa giúp phân biệt nguyệt thực kiểu
Ảnh đồ họa giúp phân biệt nguyệt thực kiểu "trăng máu" - là khi mặt trăng nằm trong phần bóng đen đặc (tô màu nâu đỏ) của trái đất; còn nguyệt thực nửa tối xảy ra khi mặt trăng nằm trong vùng tối một nửa (tô màu xanh) - ảnh: F.Espenak



Lần nguyệt thực thứ 2 cũng là nguyệt thực nửa tối, sẽ bắt đầu vào 0 giờ 45 phút ngày 6-6. Khi đạt đỉnh lúc 2 giờ 24 phút, nó sẽ che phủ khoảng gần 60% mặt trăng. 4 giờ 4 phút sáng, nguyệt thực kết thúc.

Cũng trong tháng 6, một cảnh tượng nhật thực bán phần – mặt trăng ăn mặt trời - sẽ diễn ra vào trưa 21-6. Nhật thực bắt đầu lúc 13 giờ 37 phút, đạt đỉnh lúc 15 giờ 5 phút với độ che phủ khoảng 48%, sau đó kết thúc vào 16 giờ 18 phút. Cho dù mặt trời bị "ăn" một phần, nó vẫn đủ sáng để làm hỏng mắt bạn. Do đó bạn cần một chiếc kính chuyên dụng khi quan sát nhật thực.


 

Nhật thực nhìn từ vệ tinh - ảnh: NASA
Nhật thực nhìn từ vệ tinh - ảnh: NASA



Ở một số quốc gia chếch về phía Bắc so với Việt Nam, người dân có thể quan sát nhật thực toàn phần hình khuyên. Tuy nhiên do vị trí địa lý nên từ nước ta chỉ có thể thấy nhật thực bán phần.

Lần cuối cùng mặt trăng "biến hình" trong năm 2020 là hoàng hôn ngày 30-11. Đây cũng là một nguyệt thực nửa tối, bắt đầu lúc 17 giờ 28 phút chiều, đạt đỉnh lúc 17 giờ 30 phút chiều và kết thúc lúc 18 giờ 53 phút. Lúc đạt đỉnh, chiếc bóng đen mờ "ăn" mất khoảng hơn 60% mặt trăng.

Để chiêm ngưỡng mặt trăng, mặt trời biến ảo lần nữa, bạn sẽ phải đợi đến tận cuối tháng 5-2021, nhưng đó sẽ là một lần nguyệt thực toàn phần – "trăng máu" cực đẹp, diễn ra lúc hoàng hôn.

 

A. Thư (NLĐO/Theo Time and Date, NASA)

Có thể bạn quan tâm