Báo xuân

230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa: Đánh cho nó chích luân bất phản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2010, có dịp vào tham quan khu Hoàng thành Thăng Long khi UNESCO vừa công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lúc đi qua Chính Bắc Môn, một trong 5 cổng thành còn lại của di tích, tôi bỗng nhớ đến câu thơ: “Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc…” trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên.

Và ký ức tôi lại hiện về chiến công oanh liệt bậc nhất thời đại phong kiến Việt Nam, đó là Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 đại phá quân Thanh với hình ảnh Hoàng đế Quang Trung, cũng là một dũng tướng, áo bào còn đẫm màu thuốc súng, cưỡi voi đĩnh đạc cùng ba quân reo hò kéo vào cửa Bắc thành Thăng Long trong khúc khải hoàn. Cũng mùa xuân ấy, Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân đang ở kinh đô Phú Xuân bất ngờ nhận được cành đào của Hoàng đế Quang Trung từ Thăng Long gửi về như báo tiệp mừng chiến công lẫy lừng.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: H.L.V


*
*     *



Bối cảnh lịch sử của Đại Việt vào cuối thế kỷ XVIII có nhiều biến động lớn: Ở miền Nam, Nguyễn Ánh tiếp tục trở lại đánh chiếm đất Gia Định, Đông Định Vương Nguyễn Lữ chống cự yếu thế phải cầu viện Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn đem quân chống đỡ. Về vua Thái Đức, sau khi có sự bất hòa với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thì thế và lực cũng suy kiệt, chỉ an phận trấn thủ vùng đất thuộc phủ Quy Nhơn và tự nhận là Tây Sơn Vương, giao hết binh quyền lại cho Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Phía Bắc thì loạn lạc xảy ra triền miên, các quyền thần cũ nhà Lê tranh quyền đoạt vị. Sau Nguyễn Hữu Chỉnh rồi đến Vũ Văn Nhậm cậy thế xưng bá xưng hùng đất Bắc, Bắc Bình Vương sai Ngô Văn Sở ra diệt Chỉnh và chính mình đem quân hỏi tội Nhậm. Khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện nhà Thanh giúp đỡ để khôi phục lại danh phận nhà Hậu Lê, Hoàng đế Trung Hoa Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân Thanh tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long với danh nghĩa “phù Lê, diệt nhà Tây Sơn” nhưng thực chất là muốn nhân cơ hội cướp nước ta một lần nữa.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở thành Phú Xuân đã sớm nhìn thấy thế cờ, vận nước và trách nhiệm đang đặt nặng lên vai nên luôn cảnh giác, chiêu tập binh mã, củng cố nội chính để đối phó với tình hình đang cấp bách, nhất là được tin ở phía Nam, Nguyễn Ánh đang trở về gây thanh thế. Trong lúc đang chỉnh đốn ba quân, chuẩn bị đợt Nam chinh lần nữa nhằm tiễu trừ hậu họa từ chúa Nguyễn thì Nguyễn Huệ được tin cấp báo giặc ngoại xâm tràn vào phương Bắc như nước vỡ bờ. Tạm gác lại “thù trong” để lo chống giặc cứu nguy cho dân tộc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, lập đàn tế trời đất ở núi Bân (Huế) rồi thống lĩnh đại binh Bắc tiến. Nhiều sử gia sau này có đặt vấn đề, vì sao chỉ trong thời gian rất ngắn, từ lúc nhận được tin đến lúc xuất binh không mấy ngày mà Quang Trung-Nguyễn Huệ đã chuẩn bị được một lực lượng binh mã hùng hậu như vậy? Thực ra, sau những lần chinh Nam, phạt Bắc, chủ tướng Nguyễn Huệ chưa bao giờ ngơi nghỉ việc quân, chiêu tập hiền tài, chuẩn bị khí tài, quân lương để sẵn sàng ứng chiến. Tài dụng binh như thần của Nguyễn Huệ là ở chỗ ông biết nhìn xa trông rộng, không bao giờ để bị động trong tham chiến.

Sau khi dừng ở Nghệ An-Thanh Hóa để tuyển thêm quân và tham vấn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung mới tiếp tục đem đại binh về vùng núi Tam Điệp (thuộc Ninh Bình ngày nay) hội quân cùng Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhậm. Lời nhận định của Nguyễn Thiếp trong hội kiến lần này trùng hợp với ý của vua Quang Trung: “Quân Thanh ở xa mới tới, không biết tình hình quân ta mạnh yếu thế nào, địa thế nước hiểm trở ra sao, không biết nên đánh hay nên giữ. Chúa công ra đây nên đánh gấp thì không quá mười ngày nhất định tiêu diệt được địch” (1). Tại Tam Điệp, vua Quang Trung chấn hưng sĩ khí ba quân; đồng thời, để làm tăng sự kiêu ngạo của kẻ thù khiến chúng mất cảnh giác, không lo phòng bị, nhà vua sai Ngô Thời Nhậm thảo bức thư với lời lẽ khiêm tốn, ra bề sợ sệt quân “Thiên triều” gửi cho Tôn Sĩ Nghị. Ngày 30 tháng Chạp năm 1788, vua Quang Trung cho quân sĩ ăn Tết trước: “Ta với các ngươi hãy ăn Tết trước đi. Mùng bảy tháng Giêng chúng ta sẽ vào thành Thăng Long, mở tiệc khai hạ. Các ngươi ghi lấy xem lời ta có đúng không?” (2).

Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tại Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê). Ảnh: internet



Ngày nay, nhiều người thắc mắc vì sao vua Quang Trung dám khẳng định thế tất thắng như thần vậy? Đây không phải là câu nói hên xui hoặc lấy lòng quân sĩ mà là điều khẳng định có căn cứ. Bởi lẽ, việc xuất quân lần này là đánh kẻ thù xâm lược, được nhân dân đồng tình ủng hộ; họ coi quân từ Phú Xuân ra như những đoàn hiệp sĩ cứu khốn phò nguy (lời của Giáo sĩ Jumilla de Diego).

Đại quân Tây Sơn được chia làm 5 đạo: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Nhà vua trực tiếp điều khiển trung quân với hầu hết là tân binh, tiến thẳng theo đường bộ nhắm hướng Hà Hồi, Ngọc Hồi; còn các cánh quân khác do các tướng có tài thao lược thống lĩnh quân thủy, bộ, tượng binh và kỵ binh theo các ngả, vị trí đã phân định với chỉ dụ là, hành quân thần tốc, bí mật, linh hoạt và đánh thắng. Từ ngày mùng một đến ngày mùng bốn tháng Giêng năm Kỷ Dậu, quân Tây Sơn vượt sông Giản Thủy, đánh thẳng đến Hà Hồi, các đồn giặc đều bỏ chạy và đầu hàng, bị quân Tây Sơn bắt sống và giết sạch các toán tuần tiễu của quân Thanh, nên tin tức không lọt về đến Tôn Sĩ Nghị. Đến ngày mùng năm thì quân Tây Sơn đã vây đồn Ngọc Hồi. Đây là tiền đồn quan trọng, cùng với Khương Thượng, nó bảo vệ vòng ngoài cho thành Thăng Long nên được phòng bị kiên cố với đội quân tinh nhuệ. Trước sự chống cự quyết liệt của quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi dưới sự chỉ huy của tướng Hứa Thế Hanh và Trương Sĩ Long, vua Quang Trung bình tĩnh dùng ván tẩm rơm ướt để chống hỏa công, đưa các toán võ sĩ theo sau đánh giáp lá cà; đồng thời dùng tượng binh áp đảo các toán kỵ binh của địch, tấn công như nước vỡ bờ khiến quân địch rối loạn, lớp chết, lớp bỏ thành chạy; các tướng địch Hanh, Long đều tử trận. Phía đồn Khương Thượng, nằm ở Tây Nam thành Thăng Long cũng bị quân Tây Sơn do Đại Đô đốc Đặng Văn Long và phó tướng Đặng Tiến Đông vây hãm, sau khi nhổ hai đồn địch ở Yên Quyết và Nhân Mục. Trước sức tấn công như vũ bão của quân Tây Sơn, Đề đốc Sầm Nghi Đống khiếp sợ, trốn ra Hoa Sơn (gò Đống Đa) thắt cổ tự tử.

Đang tại vị trong thành Thăng Long để theo dõi mặt trận phía Nam, Tôn Sĩ Nghị được quân báo là Ngọc Hồi và Khương Thượng thất thủ, quân của Đại Đô đốc Long đang kéo vào thành thì than rằng: “Quân Tây Sơn từ trên trời rơi xuống à?” rồi không kịp mặc áo giáp vội thắng yên ngựa cùng toán lính cận vệ bỏ cung Tây Long, vượt cầu phao qua sông Nhị Hà. Đám tàn binh thấy chủ tướng lên ngựa thoát thân cũng ùa chạy qua cầu tìm đường sống. Cầu phao qua sông quá tải đứt gãy hất hàng vạn quân Thanh xuống dòng nước chảy xiết…

Đại thắng, cánh quân của Đại Đô đốc Long vào thành Thăng Long, mở toang các cổng thành rồi đón vua Quang Trung vào cửa Bắc trong khí thế tưng bừng của đoàn quân chiến thắng oanh liệt, đúng chiều mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789). Từ đấy, Bắc Hà được hoàn toàn giải phóng.


 

*
*    *



Như vậy, từ lúc xuất quân tại Tam Điệp cho đến khi làm chủ kinh thành Thăng Long chỉ vỏn vẹn 5 ngày đêm (sớm hơn 2 ngày so với dự định), 5 đạo quân Tây Sơn đã quét sạch 29 vạn quân Thanh. Quả thật, đây là chiến thắng có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam với chiến thuật tốc chiến tốc thắng của đội quân Tây Sơn bách chiến bách thắng dưới tài chỉ huy của người anh hùng “áo vải cờ đào” cùng câu nói để đời: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

 BÙI QUANG VINH



----------
(1): Sách “Vua Quang Trung” của Phan Trần Thức (Sở Văn hóa-Thông tin Bình Định, 2003).
(2): Sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn-Quách Giao (Bảo tàng Quang Trung Bình Định, 2002).

Có thể bạn quan tâm