Báo xuân

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII; đồng thời là năm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song bằng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục gặt hái những kết quả khả quan; quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Nếu như những ngày đầu thành lập, huyện Kông Chro thiếu lương thực triền miên, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa có gì đáng kể thì giờ đây, nền kinh tế của huyện đã đạt mức tăng trưởng khá. Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt hơn 3.632 tỷ đồng (vượt 0,13% Nghị quyết, tăng 11,08% so với năm 2017). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Huyện luôn chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; chủ động phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng công tác tưới tiêu, chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 39 ngàn ha (tăng 0,29% so với năm 2017).
Ông Trần Cao Nguyên. Ảnh: Hồng Thi
Ông Trần Cao Nguyên. Ảnh: Hồng Thi
Ngoài những cây trồng chủ lực đem đến sự ổn định về an ninh lương thực như: mía, mì, bắp, lúa, đậu các loại..., những năm gần đây, Kông Chro đã thực hiện chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đơn cử, năm 2018 đã chuyển đổi 75,5 ha lúa nước và 362,8 ha bắp lai sang trồng mì, cây ăn quả và các loại cây thực phẩm khác. Cùng với đó, huyện còn phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao quy hoạch 395,3 ha vùng nguyên liệu cây trồng các loại trên địa bàn 4 xã, thị trấn và hiện đã ký hợp đồng triển khai trồng 5 ha dứa tại xã Sró. Đây được xem là tiền đề tốt để huyện phát triển nông nghiệp bền vững trong những năm tiếp theo.
Song song với nông nghiệp, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... cũng được địa phương quan tâm tạo điều kiện phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 1.258 tỷ đồng (tăng 14,21%), tập trung chủ yếu vào các ngành: khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất và phân phối điện năng... Giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt trên 750 tỷ đồng (tăng 14,27%).
Năm 2018 là năm thứ hai của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Vì thế, ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn của huyện đã tăng cường công tác quản lý thu, rà soát thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...; đồng thời mở rộng cơ sở thuế, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có chuyển biến tích cực, ước đạt hơn 22,4 tỷ đồng (vượt 21,31% dự toán tỉnh giao, vượt 8% Nghị quyết và bằng 99,4% so với năm 2017).
Ngoài ra, huyện cũng từng bước tháo gỡ khó khăn để phát triển doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh kinh tế tập thể. Trong năm, 7 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 65 doanh nghiệp; 3 hợp tác xã mới đi vào hoạt động, nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động lên 9 hợp tác xã và hiện có 782 hộ đăng ký kinh doanh cá thể.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn trên toàn huyện. Người dân đã phát huy vai trò của mình, tích cực đóng góp ngày công lao động, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Năm 2018, huyện còn tập trung triển khai lựa chọn quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trung bình mỗi xã đạt 10,77 tiêu chí, tăng 2,54 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017; phấn đấu đến cuối năm 2019 trung bình mỗi xã đạt 12,5 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2020 đưa xã Yang Trung “cán đích” nông thôn mới.
Giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội
Xác định đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai, huyện Kông Chro tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2020; đầu tư xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia với 18,7% trường đạt chuẩn; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Cùng với đó, đã hoàn thành sáp nhập 6 trường Tiểu học và THCS tại 6 xã: Sró, Yang Nam, Kông Yang, Đak Kơ Ning, Chơ Long, An Trung. Ngành y tế thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị khám-chữa bệnh.
Các chương trình mục tiêu giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo kết quả điều tra năm 2018, toàn huyện còn 3.437 hộ nghèo, giảm 695 hộ; 1.184 hộ cận nghèo, giảm 114 hộ so với cuối năm 2017. Trong năm, từ các nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, huyện đã trao tặng 47 sổ tiết kiệm cho 45 hộ chính sách, người có công thuộc diện nghèo và 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí 470 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn không còn hộ chính sách, người có công thuộc diện nghèo.
Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều nông dân ở Kông Chro đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.  Ảnh: Hồng Thi
Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều nông dân ở Kông Chro đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Hồng Thi
Chính sách an sinh xã hội được triển khai theo kế hoạch đã trợ cấp thường xuyên đúng đối tượng với kinh phí trên 13,3 tỷ đồng. Huyện cũng đã xuất 37,8 triệu đồng hỗ trợ cho 3 hộ bị cháy nhà và 1 gia đình có 2 con bị đuối nước; đảm bảo cấp hỗ trợ hơn 59 tấn gạo cứu đói của Chính phủ cho 3.938 khẩu thiếu đói; 73,4 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 4.897 khẩu và hơn 51 tấn gạo tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc cho 1.035 khẩu bị thiên tai năm 2017. Thêm vào đó, từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức thăm, tặng 4.006 suất quà cho hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học giỏi với số tiền 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm, huyện đã cấp hỗ trợ hơn 203 tấn muối i-ốt cho 40.641 khẩu; cấp hỗ trợ 170 con bò giống, gần 315 tấn phân bón, 13 tấn giống bắp lai phục vụ sản xuất; cấp 31.319 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn.
Để ổn định bố trí dân cư, huyện Kông Chro đã tập trung triển khai Đề án di dời 43 hộ dân tộc Dao tại xã Chư Krêy. Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như: làm đường giao thông, điện, hệ thống nước tự chảy. 43/43 hộ cũng đã di dời nhà đến nơi ở mới và đang ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo ổn định dân cư, xây dựng, đầu tư hạ tầng công cộng để củng cố làng Brang (xã Đak Pling) thành làng nông thôn mới kiểu mới.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Ban Thường vụ Huyện ủy đã thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; thực hiện quy trình sáp nhập 50 thôn, làng thành 23 thôn, làng năm 2018 và sáp nhập 18 thôn, làng, tổ dân phố thành 8 thôn, làng, tổ dân phố trong năm 2019; đồng thời hoàn thành xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Công tác phát triển đảng được quan tâm; từ đầu năm đến nay đã kết nạp được 128 đảng viên mới (vượt 1,6% Nghị quyết). Công tác xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy được quan tâm chỉ đạo với 47/114 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (tăng 34,21% so với đầu nhiệm kỳ); 74/114 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (tăng 23,42%); 73/167 chi bộ thuộc Đảng bộ các xã, thị trấn có chi ủy (tăng 17,37%); 50/114 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy (tăng 20,17%); 14/14 chi bộ quân sự có chi ủy (đạt 100%, tăng 35,72% so với đầu nhiệm kỳ).  
…Năm 2019 là năm có ý nghĩa thúc đẩy, tạo tiền đề trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục hội nhập sâu rộng. Thực tế này đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phải nỗ lực phấn đấu, đặt ra quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó, huyện sẽ không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức; phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức...
 TRẦN CAO NGUYÊN 
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Có thể bạn quan tâm