Báo xuân

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ, Gia Lai có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đak Pơ là huyện thuần nông nên sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương. Những năm qua, bằng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kinh tế-xã hội huyện có bước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, khi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ra đời, các ngành, địa phương trong huyện đã có những định hướng sát với thực tiễn,  tập trung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất toàn diện theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh rau, mía, mì… theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích trồng mía theo quy mô cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng lớn; xây dựng và mở rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; đưa cơ giới vào đồng ruộng. Hiện nay, 95% diện tích lúa nước, 100% diện tích mía, 93% diện tích mì được làm đất bằng máy.
 Nông dân xã Cư An sản xuất rau chất lượng cao trong nhà lưới. Ảnh: B.T
Nông dân xã Cư An sản xuất rau chất lượng cao trong nhà lưới. Ảnh: B.T
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, sau 10 năm (2008-2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), diện mạo nông thôn đã có sự phát triển ổn định, đời sống người dân ngày một nâng cao. Nếu năm 2008, tổng diện tích gieo trồng đạt 16.504,4 ha, sản lượng cây lương thực có hạt đạt 20.731 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5,6 triệu đồng thì đến năm 2017, tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt xấp xỉ 22.970 ha, sản lượng lương thực đạt 23.536,5 tấn, thu nhập bình quân đầu người trên 28 triệu đồng. Để đạt được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của người dân, huyện đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp với điều kiện thực tiễn để người dân học tập, ứng dụng vào sản xuất.
Năm 2016, Huyện ủy Đak Pơ ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn 2016-2020. Tuy giá cả nông sản bấp bênh, thời tiết ngày càng diễn biến khó lường, song Đak Pơ đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết với việc triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết; đẩy mạnh cơ giới hóa; đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, năm 2018, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 23.233,5 ha, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 506 ha so với năm 2016. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 23.296,7 tấn, tăng 735,2 tấn so với năm 2016. Bà con nông dân đã triển khai xây dựng cánh đồng kỹ thuật sản xuất mía, mì… mở rộng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích cánh đồng mía lớn trên địa bàn huyện đạt 139,9 ha. Ngoài ra, huyện còn xây dựng 7 cánh đồng kỹ thuật sản xuất mía, mì. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Trường-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-phấn khởi cho biết: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm đã bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống người dân trên địa bàn. Thời gian qua, huyện cũng đã tập trung đào tạo nhiều ngành nghề nông thôn như: dệt, may mặc, xây dựng, cơ khí, trồng rau an toàn... Nhờ vậy, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, thị trường để nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp của địa phương.
 BẢO TRANG

Có thể bạn quan tâm