Báo xuân

Tạo đột phá trong năm "bản lề"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2018, kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện. Đây cũng chính là năm “bản lề” có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015-2020. Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, đại diện một số sở, ngành, địa phương đã có những chia sẻ với Báo Gia Lai Điện tử về kết quả đạt được trong năm 2018 và nhiệm vụ cần làm tốt trong năm mới.
* Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:  Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Nguyễn Tư Sơn.
Ông Nguyễn Tư Sơn. Ảnh: Đ.T
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 836 trường mầm non, phổ thông với 382.672 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm 43,15%). Toàn ngành có 25.198 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất trường học đảm bảo nhu cầu cho dạy và học. Chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh được nâng lên, quy mô giáo dục phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hoạt động dạy, học được chỉ đạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Nhìn chung, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực phát huy thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2018. Kết thúc năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Phát huy những kết quả đạt được, toàn ngành tiếp tục thi đua triển khai thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018-2019 và các kế hoạch, chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương rà soát quy hoạch tổng thể hệ thống trường lớp, trên cơ sở đó xây dựng và đề xuất kế hoạch phát triển hệ thống trường lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tình hình phát triển giáo dục của từng địa phương. Phối hợp với UBND cấp huyện để thống nhất chủ trương sáp nhập các trường THPT có quy mô nhỏ (từ 10 lớp trở xuống) với các trường THCS (trực thuộc cấp huyện) cùng địa bàn để thành lập trường THPT 2 cấp học. Rà soát lại biên chế đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cấp học để điều chuyển ở những trường thừa giáo viên qua các trường thiếu giáo viên, nếu vẫn còn thiếu thì tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong năm học 2018-2019. Song song với đó, ngành sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh, đặc biệt đối với học sinh bán trú ở vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đông học sinh dân tộc thiểu số…
* Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải: Mạng lưới  giao thông ngày càng hoàn thiện
Ông Lê Văn Hạnh. Ảnh: Đ.T
Ông Lê Văn Hạnh. Ảnh: Đ.T
Năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự quản lý chặt chẽ của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày càng phát triển. Theo đó, trong năm, Sở GT-VT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê; Dự án xây dựng 1 đơn nguyên Cầu 110 Km1667+950 (huyện Chư Pưh)... Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ GT-VT nâng cấp mở rộng quốc lộ 25 (từ Km117+250 đến Km147); từng bước nhựa hóa, bê tông hóa tuyến quốc lộ 14C qua địa bàn tỉnh; chủ trì tháo gỡ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng Dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku hoàn thành trong năm 2018. Sau khi các tuyến đường trên được hoàn thành sẽ làm tăng hiệu quả kết nối Gia Lai với các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải miền Trung, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành.
Năm 2019 là năm kề cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, kế hoạch phát triển 5 năm (2016-2020) của HĐND tỉnh. Do đó, công chức, người lao động ngành GT-VT quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Thực hiện công tác quản lý bảo trì đường bộ kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, không để xảy ra ách tắc giao thông trên địa bàn; rà soát, kịp thời xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông; tập trung nâng cao chất lượng vận tải và các dịch vụ hỗ trợ, phấn đấu vận tải hàng hóa và hành khách năm 2019 tăng 9-12% so với năm 2018; phối hợp với các Ban Quản lý dự án của Bộ GT-VT và các địa phương liên quan triển khai các dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19) và dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị trấn Chư Sê; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14C, 25...
* Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch:  Ngành du lịch đã có những chuyển động tích cực

Ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh: Đ.T
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành du lịch tỉnh đã có những bước chuyển động tích cực. Năm 2018 đánh dấu bước phát triển đáng kể của du lịch Gia Lai khi thành công cả về lượng du khách lẫn doanh thu. Ngành du lịch tỉnh nhà có sự bứt phá là nhờ vào việc khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa, đổi mới quảng bá cùng chính sách đầu tư...
Năm 2018, vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển du lịch gần 44 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu, có khả năng khai thác trước mắt cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư. Tổng lượt khách đến với Gia Lai năm 2018 khoảng 670.000 lượt (tăng 33,6% so với năm 2017), trong đó khách quốc tế ước đạt 13.700 lượt (tăng 23,3%), khách nội địa đạt 656.300 lượt (tăng 33,9%). Doanh thu du lịch khoảng 305 tỷ đồng (tăng 24,5% so với năm 2017). Năm qua, Sở đã tập trung vào việc chỉnh trang, hoàn thiện một số điểm tham quan đang khai thác, trong đó nổi bật là cụm Biển Hồ-Chư Đăng Ya được khách du lịch quan tâm. Tại Biển Hồ, đã triển khai làm đường giao thông, các tiểu cảnh, khánh thành bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Tại núi lửa Chư Đăng Ya đã xây dựng đường lên núi. Sự kiện lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) đã thu hút khoảng 145.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Đây là sự kiện nổi bật, thu hút 120.000 lượt khách tham quan, tạo thành điểm nhấn của du lịch Gia Lai. Ngoài ra, một số địa phương đã duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống thu hút khách tham quan, tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội một cách hiệu quả. Sở cũng đã duy trì các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, kết nối các điểm du lịch kết hợp với các công trình về kinh tế, chính trị, đền chùa như: đồi chè Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo…
Để đạt mục tiêu thu hút 840 ngàn lượt khách và doanh thu đạt 380 tỷ đồng trong năm 2019, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lễ hội văn hóa-du lịch nhằm tạo sức hút với du khách. Các sự kiện sẽ được tổ chức theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo nội dung đa dạng và phong phú. Trong năm 2019, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có tính đột phá như: khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai, khách sạn 4-5 sao tại trung tâm TP. Pleiku, khu dược liệu tại huyện Kbang, Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku). Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các điểm du lịch chính, tạo hành lang thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội khai thác; duy trì các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các hội nghị, hội thảo… nhằm xây dựng, củng cố sản phẩm và thương hiệu của du lịch Gia Lai; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, sớm hình thành và hoàn thiện sản phẩm cụ thể để đưa vào khai thác; tiếp tục làm tốt nhiệm vụ kết nối du lịch của 4 tỉnh Gia Lai-Bình Định-Phú Yên-Đak Lak; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
TRẦN DUNG-QUANG TẤN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm