Báo xuân

Rưng rưng kỷ niệm về Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã 50 năm kể từ ngày Bác Hồ “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” nhưng thẳm sâu trong ký ức nhiều người vẫn vẹn nguyên cảm xúc đau buồn, tiếc nuối khi nhớ về ngày mất của Người hay rưng rưng xúc động mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm về Bác.
Vào trận trong nước mắt
Ông Nay Nô (hiện sống tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) từng là học sinh miền Nam tập kết học tập trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đã đôi lần được gặp Bác Hồ. Mỗi khi gặp tôi, ông thường nhắc đến những kỷ niệm về Bác.
Năm 1954, khi tập kết ra miền Bắc, Nay Nô còn là một cậu bé. Lên tàu thủy ở cảng Quy Nhơn, Nay Nô được mấy thủy thủ Ba Lan đưa từ ca nô lên tàu bằng cách “tung hứng” như thợ hồ tung gạch. Ra đến miền Bắc, Nay Nô được đưa về học tập ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ngày ấy, Trường học sinh miền Nam được Bác Hồ đến thăm 2 lần. Ông Nay Nô chia sẻ: Có đêm ông còn mơ thấy ngày được gặp Bác. Bởi hình ảnh về Bác, ông chẳng bao giờ quên được. Nhớ nhất là giây phút nghe tin Bác Hồ mất. Khi ấy, Nay Nô đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp với đề tài “Folklore Tây Nguyên” tại Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hôm đó là sáng 4-9-1969, tiếng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đượm buồn vọng ra từ loa công cộng trong khu ký túc xá, thông báo tin Bác Hồ mất. Giây phút ấy thật đau buồn, Nay Nô đã khóc nức nở, sinh viên cả trường đều nức nở. Ông cũng đã chứng kiến lễ truy điệu Bác và cảm nhận được sự mất mát lớn lao cũng như tình yêu vô bờ với lãnh tụ Hồ Chí Minh của bản thân và của cả dân tộc. Những trang luận văn của ông cũng được viết nhòa trong nước mắt đau thương. Như hàng ngàn vạn sinh viên, thanh niên khi ấy theo lời hiệu triệu trong ngày tiễn biệt Bác “Hãy biến đau thương thành hành động cách mạng…”, đầu năm 1970, sau khi bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, Nay Nô xin được trở lại Tây Nguyên và trở thành phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân từ ngày ấy.
Tiến sĩ Trần Viết Hoàn kể những kỷ niệm về Bác. Ảnh: internet
Tiến sĩ Trần Viết Hoàn kể những kỷ niệm về Bác. Ảnh: internet
Nếu câu chuyện của ông Nay Nô là nỗi đau chứng kiến ngày Bác ra đi thì câu chuyện của cựu chiến binh Võ Thị Thanh Hương (hiện sống tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) lại đẫm sự tiếc nuối. Bà Hương kể, với thành tích dũng cảm trong chiến đấu của một biệt động thành Quy Nhơn, bà được bầu là chiến sĩ thi đua của Quân khu 5, được cử theo đoàn ra dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và báo cáo thành tích với Bác Hồ vào giữa năm 1969. Ngày ấy, cả nước đều là chiến trường, hành quân ra Bắc cũng gian truân như hành quân từ Bắc vào Nam, phải đi ròng rã nhiều tháng trời trong bom đạn. Nhưng đoàn chưa ra đến Hà Nội thì được tin Bác đã đi xa… Nhắc lại chuyện không được gặp Bác, bà Hương nói: “Buồn lắm, tiếc lắm! Anh em trong đoàn đã khóc hết nước mắt”. Nhưng giống như bao người con của miền Nam tiền tuyến ngày ấy, bà đã tự hứa với mình hãy học tập tốt hơn và trở về giải phóng quê hương như lòng mong mỏi của Bác trong Di chúc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Lời di chúc của Bác như một hành trang khi bà đã trở lại miền Nam.
Gặp người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ
Một lần, tôi có dịp gặp Tiến sĩ Trần Viết Hoàn-nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Ông Hoàn từng là chiến sĩ bảo vệ Bác và cũng là một trong những người chứng kiến Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng. Ông từng đến Gia Lai 3 lần vào các năm 1979, 1982, 2009 để nói chuyện về thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum.
Ông Hoàn từng là một sinh viên ngoại ngữ, sau đó chuyển sang Trường Công an Trung ương (C500) và được phân về Cục Cảnh vệ (Bộ Công an). Tiếp đó, ông được biên chế trong đội hình cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác. Bước rẽ bất ngờ ấy đem đến cho ông Hoàn một hạnh ngộ mà những kỷ niệm gắn bó với Bác đã theo ông suốt cuộc đời. Đã bao năm trôi qua nhưng nhớ lại giây phút sắp đi xa của Người, ông Hoàn vẫn rưng rưng như chỉ mới hôm qua: “Lúc bệnh nặng, Người muốn được uống chút nước dừa. Các giáo sư, bác sĩ đều lắc đầu từ chối vì nước dừa không tốt cho sức khỏe của người bệnh nặng như Bác. Nhưng dường như hiểu được lòng Bác, chúng tôi đã hái quả từ 2 cây dừa trước nhà sàn, đó là giống dừa miền Nam, tự tay Bác trồng và ngày ngày chăm sóc. Chúng tôi hái mỗi cây một quả lấy nước hòa vào một cái cốc mang lên cho Bác. Người chỉ nhấp được một chút nước thôi. Lúc này, chúng tôi mới hiểu tâm ý của Bác. Người coi như trong mình có nỗi dịu ngọt, thiết tha và cả nỗi lòng đau đáu với đồng bào miền Nam”. Bên Bác nhiều năm, ông thấm thía: “Ở Bác, vĩ đại là ở sự giản dị và rất đời thường”.
Sau ngày Bác mất là một khoảng trống không gì bù đắp được trong lòng những người cận vệ như ông Hoàn. Ông quyết tâm học tập đi lên rồi bắt tay vào viết. Nhiều bài viết, nhiều câu chuyện kể của ông đơn giản chỉ để thế hệ sau này biết thêm về Bác. Từ năm 1988 đến năm 2004, ông nhận chức Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch. 16 năm trong vai trò “ông từ”, danh hiệu bạn bè yêu quý đặt, ông tự hào vì đã làm tròn vai trò đó của mình. Ông còn là một pho từ điển sống lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về Bác.
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm