(GLO)- Không khí đau thương bao trùm ngôi làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê) sau khi 3 học sinh nơi đây tử vong do đuối nước. Tiếng khóc nghẹn của người thân các cháu nhỏ xấu số như xé lòng những người đến chia buồn, phụ giúp gia đình tổ chức tang lễ. Vụ việc gióng thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị đuối nước ở tỉnh ta những năm gần đây.
Buổi trưa định mệnh
Ông Võ Văn Quá-Chủ tịch UBND xã Dun-cho biết: Trưa 11-3, sau khi đi học về, thấy trời nóng nực, một nhóm học sinh cùng trú tại làng Greo Pết rủ nhau đến ao chứa nước của ông Rơ Mah Pích cách làng khoảng 200 m để tắm. Khoảng 13 giờ 45 phút cùng ngày, người dân làng Greo Pết thấy cháu Siu Lan (SN 2014) chạy về kể có người đuối nước. Mọi người vội vàng chạy ra ao nước để cứu các cháu nhưng bất thành. 3 thi thể được vớt lên từ ao nước gồm: Siu Nội (SN 2012, học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngô Quyền), Siu Quyt và Siu Quy (anh em sinh đôi, SN 2014, học sinh Trường Mẫu giáo Bằng Lăng).
Ông Rơ Lan Bel-Phó Trưởng thôn Greo Pết-kể lại: “Nghe cháu Lan kêu có người đuối nước, tôi vội chạy ra hướng ao của ông Pích. Ra đến nơi, thấy mặt ao lặng, tôi nhảy xuống. Sau một hồi ngụp lặn, tôi phát hiện thi thể 1 cháu. Sau đó, có mấy người làng chạy ra cùng lặn mò vớt thêm thi thể 2 cháu nữa”.
Vớt được thi thể 3 cháu nhỏ, dân làng Greo Pết liền thông báo cho cơ quan chức năng. Nhận tin báo, Công an huyện Chư Sê đã cử lực lượng đến xác minh và khám nghiệm tử thi. Sau khi khám nghiệm, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể 3 cháu nhỏ để gia đình tổ chức tang lễ.
Người dân đến giúp 2 gia đình làm đám tang cho 3 cháu nhỏ xấu số. Ảnh: N.T |
Có mặt tại nhà của 2 học trò xấu số, cô Hồ Thị Trâm-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bằng Lăng-cho hay: “Ở lớp, Siu Quyt và Siu Quy đều học giỏi, đi học rất chuyên cần. Nghe tin 2 em bị nạn, chúng tôi rất bàng hoàng. Từ hôm qua đến nay, chúng tôi ở đây túc trực phụ giúp gia đình làm đám ma cho các em. Nhà trường đã trích quỹ và vận động giáo viên hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng”.
Đau thương bao trùm xóm làng
Sáng 12-3, một không khí đau thương bao trùm ngôi làng Greo Pết. Tại 2 ngôi nhà của 3 cháu nhỏ xấu số, dân làng đang phụ giúp gia đình tổ chức tang lễ. Tiếng chiêng, tiếng trống nghe thật não nề. Trước ngôi nhà của Siu Quyt và Siu Quy, một nhóm đàn ông làng Greo Pết đang khẩn trương đóng 1 cỗ quan tài. Nhìn cỗ quan tài để chôn chung thi thể 2 cháu, nhiều người không kìm nổi nước mắt.
Trong ngôi nhà của mình, vợ chồng anh Rơ Lan Thắng-chị Siu Ral vật vã đau đớn bên thi thể 2 con. Lâu lâu, chị Siu Ral thốt lên đôi tiếng rồi ngã vật xuống nền ngất xỉu. Những người thân lại vội đến khiêng chị vào giường nằm. Khi tỉnh dậy, chị Ral lại dựa tường bước loạng choạng đến bên thi thể 2 con. Khi mọi người khâm liệm cho Siu Quyt và Siu Quy, chị Ral lại khóc thét rồi ngất xỉu. “Chúng tôi đi làm rẫy từ sáng. Cứ nghĩ sau giờ học, các cháu đi thẳng về nhà ăn cơm chứ có ngờ đâu chúng nó rủ nhau đi tắm ao để ra cơ sự này”-anh Thắng nghẹn ngào.
Cách nhà anh Rơ Lan Thắng khoảng 70 m là nhà của anh Siu Prong. Phía trước sân nhà có một tấm bạt xanh mới được căng để che nắng. Trong nhà, người thân khóc lóc thảm thiết bên cỗ quan tài đặt thi thể của Siu Nội. Chứng kiến cảnh chị Siu Siu (mẹ cháu Nội) vật vã gào khóc bên thi thể con trai, nhiều người cũng giàn giụa nước mắt.
Chiều 12-3, người dân xếp hàng dài đưa 3 cháu nhỏ về nơi an nghỉ cuối cùng trong tiếng khóc thương không dứt của người thân. Trước đó, từ chiều 11 đến ngày 12-3, người dân xã Dun đã chung tay đỡ đần 2 gia đình lo tang lễ. Lãnh đạo UBND huyện Chư Sê cùng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cũng đến thăm hỏi, động viên 2 gia đình; UBND xã Dun cử lực lượng phụ giúp làm mái che, đóng quan tài, tổ chức đám tang. Ông Rơ Lan Nhất-Phó Chủ tịch UBND xã Dun-chia sẻ: “Gia đình 3 cháu đều khó khăn về kinh tế. Trong đó, vợ chồng chị Ral thuộc diện cận nghèo, có 5 đứa con. Sau khi xảy ra vụ đuối nước, UBND xã đã trích kinh phí và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ tiền để làm đám tang cho 3 cháu. Đây là lần đầu tiên ở xã xảy ra sự việc đau lòng như thế này”.
Thêm hồi chuông cảnh báo
Vụ việc đau lòng ở làng Greo Pết đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước, trong đó có nhiều vụ đuối nước tập thể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các vụ đuối nước xảy ra khi trẻ em rủ nhau đi tắm ao hồ, sông suối. Trong lúc tắm, khi có trường hợp bị đuối nước, các cháu khác lao vào cứu nhưng do không biết cách nên cùng tử nạn. Bên cạnh đó, sự giám sát của người thân chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị đuối nước. Những tuyên truyền, cảnh báo của cơ quan chức năng về tai nạn đuối nước ở trẻ em cũng chưa đủ mạnh để người dân nâng cao ý thức phòng tránh cho con em mình.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 79 trẻ em tử vong do đuối nước. Huyện Chư Prông là địa phương có số trường hợp đuối nước nhiều nhất tỉnh với 12 cháu. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh ta ghi nhận 4 vụ đuối nước khiến 7 trẻ tử vong. Các huyện có trẻ em bị đuối nước gồm: Chư Pah (2 vụ, 3 trẻ em), Chư Sê (1 vụ, 3 trẻ em), Đak Đoa (1 vụ, 1 trẻ em).
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Những năm qua, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng-chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em. Sở đã tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước để có biện pháp phòng ngừa như: làm rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm… Chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh đuối nước ở trẻ em; vận động các gia đình tăng cường quản lý con cái, nhất là trong mùa nắng nóng. Đối với vụ đuối nước xảy ra tại huyện Chư Sê ngày 11-3, chúng tôi đã cử đoàn xuống thăm hỏi và hỗ trợ mỗi trường hợp 3 triệu đồng.
NGUYỄN TÚ