30% công chức, viên chức không làm được việc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu chuyện này không phải chỉ cách đây mấy hôm nó được đưa ra “mổ xẻ” và “nóng” lên trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà nếu không nhầm, tôi nghe về nó đã lâu, đại thể rằng có một vị lãnh đạo tỉnh nọ “vi hành” đến và nói chuyện với sinh viên ở một trường đại học, trong câu chuyện liên quan đến việc làm ông lãnh đạo tỉnh nọ có nói đến thực trạng về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh và theo ông thì chỉ có chừng 30% số cán bộ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, 40% còn lại “làng nhàng”, 30% chẳng làm gì.

Và hình như từ đó, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho không những chỉ việc quản lý giờ giấc mà còn liên quan đến việc tuyển dụng, giao việc, kiểm tra, xem xét, phân tích chất lượng cán bộ công chức, viên chức hàng năm của cả hệ thống chính trị.

 

Đoàn điểm danh cán bộ, công chức, viên chức tại các phòng, ban làm việc của các đơn vị kiểm tra. Ảnh: Hồng Thương
Đoàn điểm danh cán bộ, công chức, viên chức tại các phòng, ban làm việc của các đơn vị kiểm tra. Ảnh: Hồng Thương

Đã có lần trong một bài viết có liên quan, tôi đã nói đến thực trạng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay, nó tồn tại bởi nhiều vấn đề rất đáng quan tâm mà lẽ ra, từ lâu chúng ta đã có chính sách dài hơi “sửa chữa” việc này, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Đơn cử như tại Gia Lai, sau ngày giải phóng năm 1975, đội ngũ cán bộ quá thiếu, và nó được hình thành từ nhiều nguồn: Số khá đông từ trong chiến tranh ra, chưa được đào tạo bài bản hoặc đã đào tạo nhưng đã lạc hậu về mọi mặt bởi chỉ lo tập trung cho công tác và chiến đấu; cũng là một con số không nhỏ được điều động, bổ sung từ miền Bắc, bên quân đội chuyển ngành; một số ít được “lưu dung” từ chế độ cũ; số ít nữa là lớp trẻ vừa rời ghế nhà trường...

Tất cả số này gần như về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, văn hóa... đều nằm trong diện phải đào tạo lại. Một bộ phận lớn khi được chọn cử đi đào tạo là khá tích cực, cố gắng học hành, chịu khó bổ sung, tiếp thu kiến thức để về làm việc tốt hơn. Số khác, sau một thời gian đã không còn phù hợp tình hình công việc hiện tại, họ đã tự nguyện rời khỏi công sở.

Đặc điểm như vậy cho nên một bộ phận cán bộ công chức, viên chức ngày một bị phân hóa, sau bao lần đề ra các chính sách nhằm giảm tối đa số cán bộ công chức, viên chức trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống yếu kém để tuyển dụng bổ sung, nâng dần mặt bằng tích cực về mọi mặt của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức lên. Tuy nhiên vẫn trong vòng luẩn quẩn, lực bất tòng tâm bởi rất nhiều chuyện tế nhị chi phối, (khi có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề “tế nhị” này).

Đã vậy, việc tuyển dụng với một quy trình quá nhiêu khê, khó tìm và phát hiện, chọn lọc được người có đức có tài thật thụ; tưởng “nhiêu khê” như thế để phòng-chống tiêu cực, nhưng hình như chuyện nhiêu khê từ những quy định càng là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực. Và, như thế lại hình thành một đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ỳ ra vì ta đã mất tiền và chẳng ai nói được, làm được gì họ.

Một số người khác ngày một bộc lộ tính ích kỷ, lười biếng, công thần, làm được vài việc tưởng mình đã là... thánh, đòi hỏi đãi ngộ, chế độ ưu tiên... mà chẳng chịu rèn luyện, học tập; tài liệu, sách báo chẳng xem, thậm chí một bộ phận “sống lâu”-quá lâu, mà không lên được lão làng thì quay ngang phá đám. Và đương nhiên như thế ai cũng hiểu ở loại cán bộ công chức, viên chức này thì làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ? Những thành phần cán bộ công chức, viên chức như sơ bộ nói trên có lẽ nếu thống kê ra cho kỹ, không khéo sẽ còn hơn... 30% nữa là khác.

Thiết nghĩ, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương mới đây, mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành cần quyết liệt trong việc đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, sa thải không thương tiếc những thành phần “làng nhàng”, không hoàn thành hoặc hoàn thành không cao công việc được giao. Và, có một điều đáng nói đến, cùng với đó phải có những quy định “mạnh tay” đối với những ngành mang danh bảo vệ quyền lợi người lao động hay can thiệp vào nội bộ của người khác. Đồng thời chọn người được đào tạo, trẻ, có ý chí tiến thủ, song toàn đức tài vào thay thế, nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trước mắt ít nhưng tinh và như thế chắc chắn tiền lương và thu nhập sẽ được cải thiện!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm