Kỳ vọng trước thềm Xuân Quý Mão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, Báo Gia Lai ghi lại cảm nhận cũng như ước vọng của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
Năm 2022, Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã nỗ lực hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thể hiện qua kết quả trên các mặt giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc và giáo dục mũi nhọn. Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện sắp xếp trường lớp, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh; đồng thời, tổ chức được nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động phong trào phù hợp với yêu cầu giáo dục của chương trình mới.
Năm Quý Mão 2023, tôi tin tưởng tỉnh nhà tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành quả ấn tượng hơn. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để thực hiện tốt hơn kế hoạch giáo dục-đào tạo và các hoạt động khác.
 
Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai: 
Năm 2023 được dự đoán là tiếp nối những khó khăn về kinh tế. Nó đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng thuận của người dân, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp; đặc biệt là sự đổi mới trong bộ máy công vụ của Nhà nước phục vụ Nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số. Hợp tác quốc tế không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, Việt Nam đang có vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Năm 2023 là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng và quyết định trong việc thực hiện thành công kế hoạch 5 năm (2020-2025) mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Tăng trưởng kinh tế cao so với khu vực và thế giới, trong khi lạm phát chúng ta giữ ổn định mức thấp 4% là tiền đề tiếp nối các giải pháp để duy trì và ổn định và phát triển kinh tế-xã hội cho năm Quý Mão 2023.
 
Ông Phạm Văn Chương-cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê: 
Là người có gần 40 năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, tôi luôn mong muốn đất nước ta có một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, được cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa ở mức cao. Lúc đó, người nông dân có thể ngồi phòng lạnh cầm remote điều khiển cho cơ giới chạy trên đồng liền vùng, liền thửa cả trăm mẫu. Ở đó, thiết bị bay có thể thăm đồng, phun thuốc, bón phân… cơ giới sẽ vận chuyển nông sản thu hoạch từ đồng về kho, an toàn, hiệu quả. 
Để có một nền nông nghiệp xanh và hiện đại như mong muốn, Nhà nước cần có chiến lược phát triển dài hơi, một lộ trình vững chắc với những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, chi tiết và cụ thể. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư, ưu tiên cho nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cơ giới hóa, tin học hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng việc liên kết: doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học để thành lập các trung tâm đào tạo nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Nghệ nhân Pel (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku):
Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, tôi mong gia đình và người thân cùng người dân được bình an, hạnh phúc. Là nghệ nhân dệt, tôi rất mong thế hệ trẻ nhiệt tình tham gia học tập và giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi mong Câu lạc bộ Dệt truyền thống làng Phung ngày càng phát triển, chị em được tập huấn nâng cao tay nghề dệt và kỹ năng giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Hy vọng chính quyền địa phương và doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm văn hóa của dân tộc Jrai, Bahnar, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và giúp cuộc sống của bà con được đủ đầy, no ấm hơn.
HOÀNG THANH HƯƠNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm