(GLO)- Sáng 14-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có bà Rcom Sa Duyên-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo 17 phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến |
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2022, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 gồm: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Có 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142 ngàn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.
Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong 3 năm (2020-2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 ngàn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021. Thị trường lao động ngoài nước tiếp tục ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường.
Năm 2023 thị trường việc làm vẫn tiếp tục gặp khó khăn rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động . Ảnh: Đinh Yến |
Công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 ngàn tỷ đồng; điều dưỡng cho trên 500 ngàn lượt người có công. Tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng.
Công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam được chú trọng. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Công tác trợ giúp xã hội tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí khoảng 28 ngàn tỷ đồng…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác lao động, xã hội và người có công năm 2022; đề xuất các giải pháp thực hiện công tác này trong năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đạt được năm 2022. Xác định năm 2023 là năm hết sức khó khăn gây ảnh hưởng đến thị trường lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Duy trì ổn định thị trường lao động nước ngoài hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Về công tác người có công, huy động mọi nguồn lực để tôn tạo các công trình ghi công các liệt sĩ. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân ái, thúc đẩy công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tập trung xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh…
ĐINH YẾN