Thời sự - Bình luận

30 điểm vẫn trượt Đại học: Có phải "con cái chúng ta giỏi thật"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu nhìn vào điểm xét tuyển Đại học, hẳn có người sẽ thốt lên: “Con cái chúng ta giỏi thật”. Nhưng có đúng là “giỏi thật” không?

 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn


Hãy nhìn thống kê của Bộ GDĐT, năm nay, cả nước có 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 9-11 điểm, có 265 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Mức tăng này gây sốc với nhiều thí sinh bởi 26 - 27 điểm vẫn có thể rớt hàng chục nguyện vọng.

Điểm số này gây ngạc nhiên cho các bậc phụ huynh, bởi thế hệ của họ, chỉ cần trên 20 điểm là điềm nhiên vào đại học, thậm chí có học bổng.

Nhưng thế hệ hiện nay, hãy nhìn vào những câu chuyện cụ thể: Đồng Thị Hà Vy - cựu học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) - không thể ngờ khi đạt 26,45 điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trượt hết 13 nguyện vọng đầu tiên mà em yêu thích nhất.

Hay mức điểm chuẩn cao nhất được ghi nhận là 30,5 điểm thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá). Nghĩa là 30 điểm vẫn… trượt như thường.

Đó chỉ là những ví dụ cho câu chuyện điểm cao vẫn trượt Đại học. Đây là kỳ tích hay là hệ quả của bệnh thành tích của kỳ thi tốt nghiệp vừa qua?

Lãnh đạo Bộ GĐĐT nói rằng thí sinh điểm cao mà trượt đại học là “điều đáng tiếc” và “xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một mô hình các em có quyền xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”.

Nghĩa là với cách xét tuyển hiện nay thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự lựa chọn của mình mà ở sự lựa nào cũng có độ may rủi. Liệu có bất bình thường và minh bạch khi tương lai của một học sinh phụ thuộc vào may rủi?

Vậy còn trách nhiệm của Bộ trong câu chuyện đề thi tốt nghiệp không có tính phân loại cao và cụ thể là những trường hợp “30 điểm thì trượt, 25 điểm lại đỗ” đâu chỉ đơn giản là “điều đáng tiếc”?

Bộ GDĐT đang nêu ngọn cờ “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì không thể tạo thêm những điều khó hiểu trong tuyển sinh Đại học vốn được coi là lực lượng nhân tài của đất nước trong tương lai.

“Con cái chúng ta giỏi thật” là thiên truyện ngắn của Azit Nexin với giọng văn hài hước, châm biếm để người đọc nhìn thấy cái thực chất của một nền giáo dục.

Nghiêm túc xem xét lại kỳ thi, tìm giải pháp mở cánh cửa để những thí sinh điểm cao có thể được vào Đại học cũng như phải giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.

Bởi nếu không, một kỳ thi tốn kém, đáng lẽ phải rất nghiêm túc, minh bạch sẽ trở thành câu chuyện của “Những người thích đùa”.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/30-diem-van-truot-dai-hoc-co-phai-con-cai-chung-ta-gioi-that-955189.ldo

Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm