“Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch? Đất nước này sẽ ra sao? Tôi yêu Việt Nam! Tôi yêu Sài Gòn!”.
Bệnh nhân xuất viện
Bệnh nhân xuất viện tại Bệnh viện dã chiến số 12. Ảnh: Như Lịch |
Hầu như ngày nào cũng vậy, trước khi vào ca trực tại Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà tự tay viết những dòng chữ như vậy trên áo bảo hộ của mình. Không chỉ chị Ngà, nhiều nhân viên y tế tình nguyện vào miền Nam đều mang tinh thần chống dịch đến cùng.
Quặn lòng, mong dịch bệnh qua nhanh
BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (khu tái định cư 38,4 ha, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) do BV Da liễu TP.HCM phụ trách. Nơi đây còn có sự hỗ trợ của các đoàn thầy thuốc tình nguyện đến từ một số tỉnh phía bắc, trong đó có Quảng Ninh.
7.538 ca khỏi bệnh xuất viện
Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc BV Da liễu TP.HCM kiêm Giám đốc BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, cho biết: BV dã chiến số 12 bắt đầu triển khai từ chiều tối 19.7, đến ngày 21.7 tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Đến nay, BV đã tiếp nhận tổng cộng 9.513 bệnh nhân và giúp 7.538 trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh để trở về tái hòa nhập cộng đồng.
BS Tường chia sẻ: “Do triển khai BV dã chiến trên 6 tháp chung cư đã bỏ hoang gần 10 năm nay, nên các nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trên tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy thuốc, mọi người đã không ngại khó khăn, từng bước triển khai rồi dần hoàn thiện các quy trình khám bệnh, chữa bệnh và cố gắng làm được những điều tốt nhất cho bệnh nhân trong điều kiện hiện có. BV còn có sự đóng góp và trực tiếp tham gia điều trị của các y bác sĩ đến từ Quảng Ninh (từ 6.8) và Sơn La (từ 29.8). Các anh chị em đồng nghiệp ở các tỉnh phía bắc làm việc rất tích cực, không ngại khó và cũng chủ động trong công việc”.
Từ ngày 13.7 đến nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà (41 tuổi, điều dưỡng BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh) đã tham gia chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ngày lên đường, người mẹ hai con này viết thư tâm tình: “Mẹ xa nhà, xa con, đầu quân cho lực lượng chống dịch của tỉnh, chi viện cho miền Nam thân yêu khi con đang tròn giấc ngủ. Phát huy con nhé, mẹ tin con sẽ tự chăm sóc tốt cho mình. Mẹ sẽ an toàn trở về bên con, mẹ con mình lại quấn quýt như xưa con nhé”.
Tại BV dã chiến số 12, chị Ngà tham gia các khâu: đón tiếp sàng lọc, lâm sàng, trực đường dây nóng (hotline) 24 giờ. Chị cho biết trực hotline là liên tục nhận điện thoại, tin nhắn của bệnh nhân. Khi nghe bệnh nhân có những triệu chứng bất thường như khó thở, tức ngực, chị Ngà và đồng nghiệp mặc quần áo bảo hộ lên phòng bệnh, đo huyết áp, nhịp thở, SpO2 (nồng độ ô xy bão hòa trong máu), rồi báo cho bác sĩ và làm theo y lệnh.
Sau ca trực, chị Ngà tranh thủ tặng quà chị mang từ Quảng Ninh cho những bệnh nhân mới nhập viện (gồm ruốc, thịt hộp, bánh, sữa, xúc xích). Sau đó, chị vận động anh chị em trong đoàn tham gia và tận dụng nguồn hàng tiếp tế như nước súc miệng, dung dịch nhỏ mắt nhỏ mũi, hoa quả, trứng, viên sủi vitamin C... Đến nay, đã có hàng ngàn phần quà trao tặng cho bệnh nhân.
Chị Ngà bộc bạch: “Nhìn những bệnh nhân nhí, lòng tôi không khỏi xót thương. Cháu bé mới hơn 1 tuổi, cả gia đình 5 người kéo nhau vào viện. Do vội không chuẩn bị được đồ ăn cho con, do con còn nhỏ và Covid-19 làm mất vị giác của con, nên con bỏ bữa khóc ngằn ngặt trên tay mẹ. Khi mình chìa tay bế, con uống xong bịch sữa đã ngả vai mình say giấc. Người mẹ lâu ngày chăm con cũng thiêm thiếp lúc nào không hay… Lòng mình quặn thắt, mong sao dịch bệnh qua nhanh”. Chị Ngà bày tỏ: “TP.HCM là một trung tâm lớn của cả nước, dịch như thế này thì dân khổ lắm. Bọn em quyết chí rồi, là ở đây chống dịch đến cùng!”.
Trong khi đó, điều dưỡng Tô Xuân Trọng và một số đồng nghiệp cùng tài xế xe Phương Trang đã tranh thủ giờ nghỉ tổ chức các chuyến tặng quà cho người dân khó khăn ngoài cộng đồng. Ngoài sự đóng góp của bản thân, anh Trọng đã gây quỹ hơn 10 triệu đồng để mua gạo, mì, sữa… tặng bà con nghèo ở TP.HCM.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà tặng quà cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC |
Mô hình “bộp, bộp”
Trong đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh, có những mô hình hỗ trợ bệnh nhân điều trị khá hiệu quả.
Cô bán vé số “truy tìm” tôi
Một ngày hạ tuần tháng 8, tôi tham gia lau dọn vệ sinh khu cấp cứu BV dã chiến số 12. Trước khi đi, tôi gói điện thoại di động trong lớp màng bọc thực phẩm, chỉ chừa lại phần camera (cách này chúng tôi học từ y bác sĩ BV Da liễu TP.HCM, để hạn chế nhiễm khuẩn khi vào khu vực có bệnh nhân). Tôi tranh thủ chụp nhanh vài tấm hình rồi cất điện thoại để làm việc cho kịp tiến độ. Thông thường, tôi nán lại tác nghiệp sau khi làm xong, vừa không ảnh hưởng đồng đội vừa tiết kiệm đồ bảo hộ.
Hôm đó, tôi thấy có mấy cuộc gọi nhỡ của anh Nguyễn Ngọc Toàn - Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên. Anh Toàn bảo: “Em làm gì mà cô Hường bán vé số nhắn tin, gọi điện hỏi anh hoài. Cổ sợ em gặp chuyện… Chà, cái này gọi là nhân vật truy tìm tác giả!”.
Cô Nguyễn Thị Hường (quê Bình Định) mưu sinh bằng việc bán vé số, ở trọ trong hẻm số 3 Nguyễn Văn Săng, Q.Tân Phú, TP.HCM. Tôi quen cô Hường đã khá lâu, từng viết bài về cuộc đời và gia cảnh của cô. Thời gian qua, khu trọ của cô Hường bị phong tỏa dài ngày do dịch Covid-19. Cô Hường bị bệnh khớp mãn tính, không có tiền mua thuốc và nợ nhiều tháng tiền trọ. Tôi và một người chị tên là Cao Anh Hoa hỗ trợ cô Hường 2 tháng tiền trọ (1 triệu đồng/tháng) và giúp vài trường hợp đặc biệt khó khăn trong khu trọ. Anh Ngọc Toàn tặng gạo, mì tôm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho cô Hường mua thuốc uống…
Khi tôi gọi điện hỏi thăm, cô Hường kể: “Công an khu vực đề nghị chủ nhà lập danh sách thân nhân của người ở trọ. Chị báo chủ nhà là “Lỡ tao có chuyện gì, mày điện cho cô Lịch bên Báo Thanh Niên. Cổ sẽ nhắn anh Giao, chủ trại hòm Vạn Phúc Đức đến lấy xác tao đi thiêu, rồi thả tro ngoài sông ngoài biển”.
|
Kỹ thuật viên Phạm Phú Quảng (42 tuổi) được gắn với biệt danh là “bộp, bộp”. Với chuyên ngành phục hồi chức năng, anh Quảng dùng tay vỗ lưng bệnh nhân, theo hướng từ đáy phổi lên đỉnh phổi cho long đờm. Sau đó, anh dùng kỹ thuật rung và hướng dẫn bệnh nhân những động tác thở để họ đẩy đờm ra ngoài…
Chị Hoa (P.1, Q.5, TP.HCM) cho biết khi nhập viện, chị phải nằm cấp cứu 5 ngày. Con trai chị 12 tuổi phải tự lo liệu một mình trên phòng bệnh. Trước ngày xuất viện (18.8), chị Hoa kể: “Tôi bị bệnh rất nặng. Mỗi ngày, tôi được bác Quảng vỗ hai buổi cho phổi của mình được thông. Nhờ phương pháp vỗ bộp, bộp này kết hợp với thuốc điều trị, nên sức khỏe tôi mau hồi phục. Tôi rất biết ơn bác Quảng và các y bác sĩ”.
Trong đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh, có điều dưỡng Phạm Trung Thực (31 tuổi) tham gia chống dịch tại TP.HCM khi vợ mang thai gần đến kỳ sinh nở. Ngày 11.8, điều dưỡng Thực đón tin vui vợ sinh con trai khi anh đang chăm sóc cho bệnh nhân tại BV.
Tham gia chống dịch ở Bắc Giang trở về khoảng 10 ngày, điều dưỡng Phạm Văn Võ (34 tuổi) đã lên đường vào TP.HCM chống dịch. Anh Võ chia sẻ: “Trước đây, mình cũng nhiều lần vào Sài Gòn và cũng có nhiều người thân ở trong này. Mình mong được đóng góp một phần sức lực, dù nhỏ thôi, để Sài Gòn được bình an, khỏe khoắn trở lại”.
Theo Như Lịch (TNO)