Thời sự - Bình luận

39 người chết cóng và những câu hỏi "vì sao?"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước mỗi nỗi đau, có lẽ điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là cảm thông, chia sẻ với thân nhân của các nạn nhân. Câu chuyện 39 người bị chết cóng trong container đông lạnh khi cố tìm đường vào nước Anh trái phép là một thông điệp đau đớn, hối thúc những truy vấn về trách nhiệm liên đới, đặt ra những câu hỏi “vì sao?” cho toàn xã hội về những chuyến đi theo lời mời gọi đến những “miền đất hứa”.

Nhân viên pháp y thuộc Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường xe container chở 39 thi thể ở Khu Công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, miền Đông Nam nước Anh ngày 23/10/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nhân viên pháp y thuộc Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường xe container chở 39 thi thể ở Khu Công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, miền Đông Nam nước Anh ngày 23/10/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)



Dù chưa có kết luận chính thức nhưng qua diễn biến câu chuyện và thông tin từ các cơ quan chức năng cũng như gia đình có người đi lao động nước ngoài được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội mấy ngày gần đây, rất có thể trong số 39 người chết ấy, hầu hết là người Nghệ An, Hà Tĩnh. Nếu kết quả xác minh trùng khớp với thông tin mà các gia đình trình báo thì các nạn nhân đều là những người trẻ. Cái nghèo của mảnh đất này đã nung nấu ý chí vượt khó và cả những giấc mộng đổi đời ở họ. Ra đi, họ mang theo ước mơ cùng sự trăn trở của cha mẹ, anh chị em mình về tương lai nhờ vào những đồng tiền kiếm được ở xứ người. Có thể chỉ là để gia đình đỡ vất vả, có tiền cho em út ăn học; cũng có thể là để xây được căn nhà 2-3 tầng, mua được chiếc xe đời mới cho “bằng với người ta”. Tiếc là những chàng trai, cô gái trẻ trung ấy có thừa ước mơ và khao khát nhưng lại thiếu kiến thức và tầm nhìn về cuộc sống. Họ bị hấp dẫn bởi những hình ảnh lung linh về một cuộc sống giàu sang nơi đất khách quê người; họ mơ ước được làm công dân ở một đất nước hiện đại bậc nhất trời Tây…

Có cầu ắt có cung, những chân rết của các đường dây buôn người đã vươn đến tận thôn cùng ngõ hẻm đón họ ra đi sau khi cầm khoản tiền vài chục ngàn đô la cho mỗi trường hợp. Theo một tổ chức chuyên về nhận dạng và hỗ trợ nạn nhân buôn người thì Việt Nam là nước đứng thứ 2 về số nạn nhân nô lệ hiện đại nước ngoài ở nước Anh trong năm ngoái. Còn theo số liệu của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc thì mỗi năm có khoảng 18.000 người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào châu Âu theo các đường dây buôn người.

Điều gì đã khiến họ bất chấp tất cả để ra đi như vậy?

Có lẽ, những chiếc xe máy đời mới, những ngôi làng chỉ toàn nhà 2-3 tầng khang trang được xây bằng tiền tích góp sau mấy năm của những người đi xuất khẩu lao động hợp pháp chưa đủ hấp dẫn. Một số bạn trẻ muốn giàu có nhanh chóng bằng những công việc được hứa trả công cả trăm triệu mỗi tháng, dù biết đó là phi pháp, biết mình có thể bị đối xử như nô lệ hiện đại ở châu Âu!

Điều đáng nói là trong những bước chân hăm hở của họ đã có sự thỏa hiệp, thôi thúc của cha mẹ, người thân. Nhìn những lá đơn chủ động trình báo cho chính quyền sau khi nhận những dòng tin nhắn trong vô vọng, nhìn những bàn thờ được lập vội ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đủ biết gia đình các nạn nhân đã lường trước được những hiểm nguy mà chồng, con họ có thể gặp phải khi vay mượn cả chục ngàn đô la Mỹ đưa cho những đường dây buôn người, hòng được bước chân vào nước Anh.

Chuyện nhập cư trái phép vào châu Âu lao động kiếm tiền diễn ra từ hơn 15 năm trước. Lúc đó, thường chỉ là công dân các nước Nam Á, Trung Đông-những nơi xảy ra chiến tranh loạn lạc. Còn bây giờ thì cái tên Việt Nam đã được đưa lên bản tin đầu, trang đầu của nhiều hãng truyền thông trên thế giới khi cảnh sát phát hiện 39 nạn nhân bị chết cóng trong một container nhập cảnh vào Anh. Đó không còn là những giọt nước tràn ly nữa, mà thực sự là “nước đã thành băng”, những tảng băng đã nổi lên để lộ ra một thực trạng báo động về nạn buôn người cùng với một lối quan niệm lệch lạc về đồng tiền và phẩm giá con người.

Trách cứ ai trong lúc này đều là điều không phải. Nhưng đặt ra những câu hỏi “vì sao?” lúc này hẳn là chưa muộn. Vì sao người lao động Việt Nam luôn tìm cách ở lại nước ngoài bất hợp pháp? Vì sao họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống như nô lệ để kiếm tiền? Trách nhiệm của các cơ quan phụ trách về việc làm, cấp ủy, chính quyền ở đâu khi mà người dân vẫn còn mù mờ thông tin về thị trường lao động, để cho các công ty lừa đảo xuất khẩu lao động, những đường dây tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài có đất sống?

Đã qua rồi cái thời mà chuyện “miếng cơm manh áo” luôn là lý do của những chuyến “ra đi” mấy mươi năm về trước. Đất nước bây giờ đã khác. Tuy chưa phải ai cũng là triệu phú, tỷ phú nhưng cơ hội làm giàu là của tất cả mọi người, nếu có tri thức và ý chí quyết tâm. 

 NGUYỄN VÂN

 

Có thể bạn quan tâm