Văn hóa

43 đội tranh tài đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 2-11, UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) khai mạc Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai).

dscf6733.jpg
Đội cồng chiêng làng Mích Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai đón khách đến với Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Dự lễ khai mạc có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hữu Quế, Dương Mah Tiệp; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng đông đảo vận động viên, nghệ nhân và du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh: Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 là hoạt động thường niên nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện.

dscf6799.jpg
Ông Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai phát biểu khai mạc. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Đây cũng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa bề dày văn hoá cùng tài nguyên du lịch nổi bật trên địa bàn huyện với các điểm tham quan, trải nghiệm như: làng chài, thác Mơ, Bến đò A Sanh, Khu di tích chiến thắng Chư Nghé, thác 3 tầng, thác 9 tầng, rừng lùn... Qua đó, tạo điểm nhấn thu hút du khách kích cầu du lịch huyện biên giới Ia Grai.

Hội đua thuyền năm nay thu hút 43 đội tham gia (tăng 4 đội so với năm trước). Ngoài đội đua đến từ các xã, thị trấn, trường học, đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai còn có một số đội đến từ huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum). Mỗi đội gồm 2 vận động viên, tranh tài gay cấn trên đường đua 2.000m.

dscf6817.jpg
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Các đội thi đấu vòng loại tính thời gian. Sau vòng loại, Ban tổ chức chọn 6 đội có thời gian nhanh nhất vào đua chung kết hạng A và 18 đội tranh chung kết hạng B. Đội đoạt chức vô địch sẽ được nhận cúp, huy chương vàng cùng phần thưởng 10 triệu đồng.

Diễn ra song song với hội đua thuyền là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai với nhiều phần trình diễn đặc sắc. Có 13 đoàn cồng chiêng, mỗi đoàn 45 nghệ nhân, diễn viên tham gia liên hoan. Các đoàn nghệ nhân tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian Tây Nguyên qua những bài chiêng truyền thống đặc sắc tự chọn như: mừng lúa mới, cúng giọt nước, pơ thi (bỏ mả), mừng Tây Nguyên thắng trận…

dscf6859.jpg
Các đội hào hứng xuất phát trong lượt đua đầu tiên. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hoạt động như thi dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc. Huyện Ia Grai còn tổ chức 26 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất biên giới và nhiều sản vật sông Sê San, ẩm thực truyền thống, sản phẩm thủ công truyền thống, hàng lưu niệm. Các gian hàng nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách xuyên suốt 3 ngày diễn ra sự kiện (từ 1 đến 3-11).

Ngoài ra, du khách đến với sự kiện có nhiều trải nghiệm thú vị như chèo thuyền độc mộc và tìm hiểu về chiếc thuyền gắn với truyền thống văn hóa-lịch sử của người Jrai; tìm hiểu những bộ chiêng quý của địa phương sở hữu số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh với 750 bộ…

9.jpg
Các gian hàng OCOP và sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Ảnh Hoàng Ngọc

Một số hình ảnh ấn tượng tại lễ khai mạc Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai:

dscf6867.jpg
Hai thuyền đua bám bám đuổi nhau quyết liệt vị trí nhất, nhì trong lượt đầu tiên
dscf6679.jpg
Các tay đua vượt 2.000m trên sông Pô Cô
dscf6851.jpg
Đông đảo người dân và du khách đến cổ cũ các đội đua
dscf6730.jpg
Đội cồng chiêng xã Ia O gây ấn tượng trong màn chào đón khách
dscf6919.jpg
Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trong khuôn khổ sự kiện

Có thể bạn quan tâm