Kinh tế

Nông nghiệp

"5 không" để phòng ngừa dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai biết cách phòng tránh loại dịch bệnh này cho đàn heo của mình, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi của tỉnh.
* P.V: Ông có thể cho biết diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi ở nước ta hiện nay và những biện pháp mà tỉnh ta đã triển khai để ngăn chặn loại dịch bệnh này xâm nhiễm?
- Ông Đoàn Ngọc Có: Bệnh dịch tả heo châu Phi hiện đã xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Lai Châu, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 34.870 con. Cục Thú y đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và giải trình tự gen của vi rút dịch tả heo châu Phi gây bệnh tại Việt Nam giống 100% với chủng vi rút dịch tả heo châu Phi gây bệnh tại Trung Quốc.
Cán bộ thú y xã Ia Khươl (huyện Chư Pah, Gia Lai) kiểm tra đàn heo của một hộ chăn nuôi. Ảnh: N.D
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và quyết liệt triển khai các giải pháp không để dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi và quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh… Tại các trạm kiểm dịch động vật đã tổ chức trực 24/24 giờ và tăng cường chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh. Các địa phương giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm để xử lý kịp thời. Đối với các địa phương có đường biên giới giáp với Campuchia thì thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào tỉnh. Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xuất 5.040 lít hóa chất Benkocid cấp cho 17 huyện, thị xã, thành phố và 2 Trạm Kiểm dịch động vật Song An, Chư Ngọc để chủ động phun tiêu độc khử trùng, phòng-chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.
* P.V: Những dấu hiệu để nhận biết heo bị nhiễm loại bệnh này là gì, thưa ông?
- Ông Đoàn Ngọc Có: Bệnh dịch tả heo châu Phi thường có các triệu chứng như: chết nhanh, sốt cao trước khi chết hoặc không ăn, lười vận động, thích nằm chỗ có bóng râm, gần nước. Một số vùng da heo bị bệnh thường chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân; riêng da phần dưới vùng ngực và bụng có thể chuyển sang màu xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi chết, heo nhiễm bệnh thường có triệu chứng di chuyển không vững, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy…
Khi phát hiện heo bệnh, chết bất thường hoặc có những triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi, người dân cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để lấy mẫu gửi cơ quan thú y có thẩm quyền xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân.
* P.V: Vậy theo ông, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cần triển khai những biện pháp nào để bảo vệ đàn vật nuôi?
- Ông Đoàn Ngọc Có: Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa động vật ốm với động vật khỏe mạnh, do điều trị của thú y hoặc qua hoạt động của con người, qua rác thải, thức ăn thừa, sản phẩm thịt chưa nấu chín. Để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo cần thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Đối với hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực nuôi và xung quanh để diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, loại gặm nhấm vào chuồng nuôi vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác; khi mua con giống phải rõ nguồn gốc; hạn chế người ra vào khu vực nuôi. Người chăn nuôi cũng cần sử dụng các loại hóa chất sát trùng trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và sử dụng vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương...
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 LÊ NAM (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm