Phóng sự - Ký sự

Vực dậy 'vương quốc' hồ tiêu ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thời gian điêu đứng vì hồ tiêu rớt giá thê thảm, tiêu chết hàng loạt kéo theo hệ lụy nông dân Gia Lai gánh khoản nợ ngân hàng ngàn tỉ, đến nay nhiều người đã quay lại với cây tiêu.

Hiện tại Gia Lai, nhiều diện tích hồ tiêu đã và đang được tái thiết với nỗ lực vực dậy "Vương quốc hồ tiêu" một thời ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh.

Một thời "vàng đen"

Cây hồ tiêu ở Gia Lai từng giúp cuộc sống của nông dân khởi sắc, kéo theo nhiều vùng dân cư trù phú. Trong đó hai huyện Chư Sê, Chư Pưh được mệnh danh là "Vương quốc hồ tiêu" bởi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên hồ tiêu trồng ở đây có năng suất cao nhất cả nước với khoảng 3 - 6 tấn/ha.

Những năm 2010 - 2012 và đỉnh điểm 2014 - 2015, giá hồ tiêu lập đỉnh với 200.000 - 250.000 đồng/kg và được ví như là "vàng đen". Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê ra đời, trở thành thương hiệu lớn của Gia Lai khi có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nhớ lại: "Sau vụ thu hoạch hồ tiêu, nhà nông có hàng tỉ đồng, có điều kiện xây cất nhà cửa, sắm sửa đồ đạc đắt tiền. Chuyện các tỉ phú hồ tiêu lái xe hơi đi thăm vườn là chuyện thường ngày ở đây".

Một vườn hồ tiêu ở Gia Lai. ẢNH: TRẦN HIẾU
Một vườn hồ tiêu ở Gia Lai. ẢNH: TRẦN HIẾU

Cũng vì thế, mọi người đổ xô trồng hồ tiêu. Cơn lốc phát triển hồ tiêu ở Gia Lai tăng chóng mặt, vượt ra ngoài những khuyến cáo của cơ quan chức năng về quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc. Theo quy hoạch đến năm 2015 diện tích hồ tiêu của Gia Lai là 6.000 ha và giữ nguyên diện tích này đến năm 2020 nhưng thống kê đến giữa năm 2017, diện tích hồ tiêu ở Gia Lai đã lên đến 18.000 ha, xếp sau Đắk Nông 30.000 ha và Đắk Lắk 25.000 ha.

Cái lợi tiền tỉ trước mắt khiến nhiều nông dân lao vào tìm mua đất, chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Không chỉ thế, giống tiêu được mua trôi nổi, kỹ thuật thì mỗi người một kiểu, các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thi nhau đổ xuống vườn với tham vọng tiêu nhanh phát triển, đạt năng suất cao nhất.

Nhưng hậu quả tăng trưởng nóng nhanh chóng đến. Hồ tiêu bị dịch bệnh vô phương cứu chữa. Có vườn tiêu hàng ha chỉ sau nửa tháng bị bệnh chỉ còn trơ trụ. Cùng với nắng hạn, mưa dầm trong khoảng thời gian 2015 - 2019 đã khiến nhiều vùng trồng tiêu rộng lớn của Gia Lai gặp đại họa. Từ khoảng 18.000 ha, diện tích hồ tiêu của Gia Lai giảm còn hơn nửa. Đến năm 2020, giá tiêu xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 36.000 - 40.000 đồng/kg.

Đã có thời trụ hồ tiêu được người dân bán với giá rẻ mạt. ẢNH: TRẦN HIẾU
Đã có thời trụ hồ tiêu được người dân bán với giá rẻ mạt. ẢNH: TRẦN HIẾU

Những hộ cầm cố đất đai, nhà cửa vay ngân hàng, hy vọng đổi đời từ "vàng đen" và cuối cùng là lãnh hậu quả. Mỗi trụ gỗ trồng tiêu lúc cao điểm có giá 80.000 - 140.000 đồng được nông dân nhổ lên bán với giá rẻ mạt 15.000 - 20.000 đồng. Nỗi buồn lan nhanh ở "Vương quốc hồ tiêu" như một cơn ác mộng. Những căn biệt thự xa hoa ngày nào trở nên vắng vẻ bởi nhiều chủ nhân phải bỏ xứ làm ăn xa, còng lưng kiếm tiền trả nợ ngân hàng.

Ông Hoàng Phước Bính thở dài: "Không có sự phát triển nào cứ tiến mãi mà nó phải có độ chững cùng những vấn đề phát sinh như biểu đồ hình sin. Hồ tiêu cũng vậy!".

Tái thiết hồ tiêu

Từ đầu năm 2024, giá hồ tiêu đã tăng trở lại. Nếu cuối tháng 5, giá hồ tiêu dao động từ 115 - 117 triệu đồng/tấn thì đến 22.10, giá hồ tiêu trong nước đồng loạt tăng 500.000 đến 1 triệu đồng/tấn tại các vùng trồng trọng điểm, dao động từ 144 - 145 triệu đồng/tấn. Theo các chuyên gia, đợt tăng đột biến này chỉ xảy ra trong một ngày do các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hàng xuất khẩu trong các hợp đồng đã ký, vì vậy có hiện tượng gom hàng ồ ạt.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) thông tin, giá hồ tiêu đen Việt Nam xuất khẩu đang được niêm yết ở mức 6.500 - 6.800 USD/tấn, hồ tiêu trắng dao dao động trên dưới 9.500 USD/tấn. Xuất khẩu hồ tiêu khả quan, đưa hồ tiêu trở lại mặt hàng có giá trị tỉ đô của Việt Nam. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15.10, Việt Nam đã xuất khẩu gần 210 tấn hồ tiêu, trị giá 1,05 tỉ USD (giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023).

Với tình hình giá cả tăng trở lại, nhiều nông dân ở Gia Lai bắt đầu thăm dò, tiến hành trồng lại cây hồ tiêu. Song nỗi đau cũ vẫn ám ảnh nên hiện tại họ chỉ trồng cầm chừng hoặc tận dụng trồng lại trên số trụ hồ tiêu cũ xen trong các vườn cà phê.

Tái thiết hồ tiêu sau cơn đại họa. ẢNH: TRẦN HIẾU
Tái thiết hồ tiêu sau cơn đại họa. ẢNH: TRẦN HIẾU

Ông Hoàng Phước Bính cho biết: "Giá hồ tiêu tăng là cơ hội để vực dậy loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này trong thời gian tới. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khi trồng mới phải tỉnh táo trong việc chọn giống, áp dụng triệt để các biện pháp thâm canh khoa học nhằm tránh rủi ro. Chúng tôi cũng kết nối với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở cung cấp phân bón liên kết với người dân xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sạch để người dân học tập và áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi lâu dài, phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu".

Kế hoạch của UBND tỉnh Gia Lai là đến năm 2030 phát triển và giữ ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 10.000 ha, đẩy mạnh phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Ông Trần Minh Triều, Phó chủ tịch UBND H.Chư Sê cho biết, diện tích hồ tiêu thống kê được hồi cuối tháng 7.2024 của toàn huyện là 1.132 ha, tăng nhẹ so với vài năm trước đây. Việc người dân đang quay lại phát triển diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là tín hiệu đáng mừng, bởi đây là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

"Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trồng mới ồ ạt, đồng thời nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đảm bảo vườn cây phát triển an toàn, ổn định, tránh bị dịch bệnh", ông Triều nói.

Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm